Tiêu dùng & Dư luận

Thúc đẩy du lịch y tế: Tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ

Loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh được đánh giá giàu tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

Nguồn lực y tế dồi dào

Trong khi nhiều người Việt Nam lựa chọn ra nước ngoài để khám và điều trị bệnh thì số lượt người từ các nước lân cận trong khu vực sang Việt Nam chữa bệnh đang ngày càng tăng.

Theo báo cáo của Sở Du lịch Tp.HCM, số lượng khách du lịch đến Việt Nam khám chữa bệnh tăng dần đều qua các năm, doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm. Gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, trong đó 40% lượng khách tập trung tại Tp.HCM.

Những năm trở lại đây, ngành y tế Tp.HCM đã đầu tư, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ khám sức khỏe tổng quát, tầm soát các bệnh lý, thực hiện kỹ thuật y khoa chuyên sâu và y học cổ truyền. Điển hình như các thành tựu y học trong lĩnh vực hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm của Bệnh viện Từ Dũ.

Theo bác sĩ Hồng Công Danh, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện này là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công các ca hiếm muộn. Từ đó đến nay, bệnh viện đã có rất nhiều thành công trong lĩnh vực y khoa này. Hiện tại, đơn vị này đã tiến đến cao cấp hơn trong điều trị hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm như xét nghiệm sàng lọc di truyền y học, trữ mô buồng trứng…

Bên cạnh đó, Tp.HCM đang có 131 bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân và bệnh viện thuộc bộ, ngành có khả năng tiếp nhận bệnh nhân – khách du lịch có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe như Bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM, Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Y học cổ truyền, Viện Tim, Bệnh viện Pháp Việt, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Quốc tế City, Bệnh viện Mắt Sài Gòn.

Để phát triển loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, cho biết ngành y tế thành phố đã xác định phát triển du lịch y tế là một trong những giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ, hiện đại hóa quy trình khám chữa bệnh. TPHCM cũng xác định sẽ hướng tới xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, phát triển một số lĩnh vực cao với mục tiêu sẽ đưa y tế thành phố trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực.

Du lịch y tế được Tp.HCM đầu tư để khai thác tiềm năng vốn có.

Thời gian sắp tới, Tp.HCM sẽ tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia và khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan. Sở Du lịch và Sở Y tế cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ cơ sở y tế, doanh nghiệp du lịch hoàn thiện các gói sản phẩm du lịch y tế phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế.

Ngoài ra, các đơn vị cũng kết hợp để tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại một số thị trường du lịch. Tp.HCM sẽ tập trung vào thị phần du khách tầm trung và cao cấp nhằm tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu khi kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cùng với du lịch y tế.

Rào cản cần vượt qua

Đánh giá lĩnh vực này, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết, hiện các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe còn ít, chưa đa dạng, chưa có nhiều cơ sở dịch vụ đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách có khả năng chi trả cao.  Bên cạnh đó, chưa khai thác tốt hệ thống cây dược liệu phong phú và nền y học cổ truyền Việt Nam để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe

Phân tích nguyên nhân khiến loại hình du lịch này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch nêu rõ, hiện Việt Nam chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng, những yếu tố cần thiết, cũng như chưa có định hướng, chính sách cụ thể để phát triển loại hình du lịch này. Đặc biệt, Bộ Y tế chưa chuẩn hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, điều này khiến phần lớn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản cho du khách.

Để khai thác tối đa tiềm năng của du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Cục Du lịch Quốc gia cần phối hợp với Bộ Y tế xây dựng bộ tiêu chí chuẩn hóa quy trình khám, chữa bệnh tại resort, khách sạn, tránh trùng lắp với việc chữa trị của ngành y tế. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng những khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Giữa ngành y tế và du lịch vẫn còn một số thách thức cản trở sự phát triển loại hình này, đặc biệt là vấn đề ngoại ngữ. Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Tp.Cần Thơ chỉ ra: “Một số bác sĩ vẫn còn bị giới hạn khi giao tiếp bằng tiếng Anh với bệnh nhân nước ngoài. Dù các bác sĩ có thể đọc được những báo cáo chuyên ngành y khoa bằng tiếng Anh nhưng họ vẫn gặp khó khi giao tiếp vì không có môi trường để luyện tập mỗi ngày. Bởi không phải thời điểm nào đơn vị y tế cũng có bệnh nhân nước ngoài đến khám, chữa bệnh”.

Theo ông Rafi Kot, Nhà sáng lập hệ thống phòng khám tư nhân Family Medical Practice Vietnam, tại Thái Lan, các bác sĩ đều có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh với bệnh nhân nước ngoài. Do đó, Việt Nam muốn thu hút được nhiều khách nước ngoài đến du lịch kết hợp khám chữa bệnh, cần cải thiện được trình độ ngoại ngữ của nhân viên y tế thay vì phụ thuộc vào người phiên dịch.

“Vấn đề ngoại ngữ không chỉ riêng bác sĩ điều trị mà toàn bộ hệ thống y tế như y tá, điều dưỡng, người làm dịch vụ, những nhân viên làm việc tại các bệnh viện… cũng cần phải giao tiếp được bằng tiếng Anh đối với khách nước ngoài. Bởi vấn đề giao tiếp đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tiếng Anh được xem là một trong những ngôn ngữ quốc tế trong y khoa, đó là yếu tố mấu chốt khi muốn đưa du lịch y tế vươn xa ra các nước trên thế giới”, ông Rafi đề nghị.

Do đó, nhiều chuyên gia đề nghị, trong thời gian sắp tới, nước ta có thể tổ chức nhiều hội nghị y khoa mang tầm quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ đến từ nhiều nước khác khau, giúp họ biết được những giá trị tốt của nền y học Việt Nam đang có; từ đó xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của nước ta trong bản đồ du lịch y tế.

Ngoài ra, ngành y tế cũng cần tạo ra môi trường bình đẳng trên toàn hệ thống, có bảng xếp hạng chất lượng bệnh viện mỗi năm để đánh giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại đơn vị y tế, tăng thêm nhiều lựa chọn cho khách trong và ngoài nước.