Tiêu dùng & Dư luận

Thừa điện tái tạo, dịch Covid-19 càn quét: Cần sớm luật hoá điều hành giá điện?

Câu chuyện thừa điện gần đây được nhắc đến nhiều, song vấn đề được quan tâm thời điểm này chính là việc bùng phát dịch và tiết trời nắng nóng liệu có giảm giá điện?

Ngày 12/5, Bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành Chỉ thị 07 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Tại chỉ thị này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Chỉ thị nói trên chỉ áp dụng đối với nhóm ưu tiên, song ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì không có ai là ngoại lệ, nhiều tỉnh thành phải phong toả, thực hiện giãn cách xã hội. Hơn nữa, phía tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, trong năm 2021, có khoảng 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm do thừa điện, trong đó có hơn 500 triệu kWh nguồn điện mặt trời do quá tải đường dây 500 kV.

Vì vậy, trước vấn đề này, một số ý kiến cho rằng tại sao cung tăng - cầu giảm lại không thể giảm giá điện để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng? 

Khu cách ly tại bệnh viện K Tân Triều do liên quan đến các ca mắc Covid-19 (ảnh: Hữu Thắng).

Nên xem xét việc giảm giá điện

Năm 2020 đã có 2 đợt giảm giá điện, tiền điện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 12.300 tỷ đồng. Việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện đã góp phần phục hồi kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện trên cả nước, đặc biệt là các hộ thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội, các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp hoạt động logistics.

Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có những giai đoạn, ngành điện tăng giá do thiếu điện, người dân được kêu gọi phải sử dụng tiết kiệm còn giai đoạn này, chuyện thừa điện được nhắc đến nhiều và “phải chăng, khi nguồn cung dư thừa thì phía bộ Công Thương cũng như EVN nên có một phương án giảm giá điện đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng để trình lên Chính phủ. Nhất là trong bối cảnh mùa nắng nóng đã đến, cùng với đó là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều nơi bị phong toả, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giảm giá điện trong bối cảnh hiện nay là nên làm.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong điều kiện tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, sản xuất sụt giảm, nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho sản xuất và cả tiêu dùng đều giảm, thì ngành điện nên xem xét giảm giá điện để kích cầu tiêu dùng, hạ chi phí sản xuất, hỗ trợ chung cho nền kinh tế.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc dư thừa nguồn điện cần phải tính đến phương án đầu tư tích trữ điện, xây dựng một hệ thống tích trữ nguồn năng lượng tái tạo. Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng được điều này. “Tất nhiên là cần có sự hợp lực đến từ các nhà đầu tư lớn trong nước”, ông nói.

Cũng trao đổi với phóng viên, GS. Trần Đình Long - Phó Chủ tịch hội Điện lực Việt Nam - cho rằng, hiện Việt Nam đang có nhiều nguồn cung điện khác nhau, bao gồm thủy điện, điện than, điện tái tạo… Trong đó, thủy điện chiếm tỷ trọng lớn nhất còn điện tái tạo lại chiếm tỷ trọng ít hơn rất nhiều.

“Vì vậy, quyết định giảm giá điện hay không không phụ thuộc vào việc dư thừa năng lượng tái tạo như điện mặt trời”, ông Long nói.

 

GS. Trần Đình Long việc giảm giá điện cần được mở rộng ra nhiều đối tượng.

Trong tổng số hơn 26 triệu khách hàng sinh hoạt đang mua điện của EVN, có xấp xỉ 23 triệu khách hàng có mức bình quân sử dụng điện dưới 300kWh/tháng. Phần lớn các khách hàng thuộc nhóm này là người lao động, công chức, viên chức, công nhân và người làm công ăn lương.

Ông Long cho rằng, trong năm 2020, EVN này đã dành ra khoảng 12.300 tỷ đồng trong 2 đợt giảm giá điện. Thời điểm này cũng tương tự, mùa nắng nóng đã đến cùng với đó là sự càn quét kinh khủng của đại dịch Covid-19, thay vì bó hẹp trong một nhóm đối tượng thì việc mở rộng đối tượng để được hưởng việc giảm giá điện là cần thiết. 

Lãnh đạo trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia (A0) thì cho biết, vấn đề giảm tiền điện cho người dân hoặc các cơ sở sản xuất kinh doanh không phụ thuộc vào vấn đề thừa nguồn. Bởi điện là một loại hàng hóa đặc biệt, có tính chất đặc thù, là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, việc có giảm giá điện hay không cũng không thể do bộ Công Thương hay EVN tự quyết mà phải thông qua Chính phủ.

Nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời bị cắt giảm trong thời gian qua vì dư thừa.

Luật hoá điều hành giá điện

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, bản thân ông đã có nhiều ý kiến đóng góp về việc cần thiết luật hoá điều hành giá điện. Thị trường bán lẻ điện được cạnh tranh thì EVN sẽ không còn là đơn vị mua buôn điện duy nhất. Và sự cạnh tranh sẽ tạo ra môi trường khuyến khích đầu tư hiệu quả dựa trên tình hình thị trường hơn là dựa trên chỉ thị và cơ chế xin - cho.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4/2021, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng cục Điều tiết Điện lực (bộ Công Thương) cho biết, hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá điện được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan các thông số đầu vào của tất cả các khâu như: phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính toán vào giá bán điện các năm trước để xác định giá bán điện hiện hành.

“Giá bán điện bình quân khi điều chỉnh phải phù hợp với khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Tuấn cho hay.

Về việc luật hoá việc điều hành giá điện, theo ông Tuấn, bộ Công Thương cũng đang khẩn trương xin ý kiến các bộ ngành, địa phương về tổng kết công tác thực hiện luật Điện lực năm 2012, đánh giá toàn diện hoạt động điện lực, trong đó có công tác điều hành giá điện. Trên cơ sở đó kiến nghị với Quốc hội triển khai sửa đổi luật Điện lực theo hướng sẽ luật hóa việc điều hành giá điện.

Nhà nước điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, ban hành các chính sách an sinh xã hội phù hợp và điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường như thuế, phí, các quỹ theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của bộ Chính trị.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)