Tiêu điểm

Thủ tướng “thực sự sốt ruột” với tình hình Tiền Giang

Những ngày gần đây tại Kiên Giang và Tiền Giang, nhiều xã, phường, thị trấn lại chuyển từ “xanh”, “cam” thành “đỏ”.

Ngày 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang – nơi tình hình dịch có nhiều diễn biến đáng lo ngại.

Tổ chức thực hiện có lúng túng

Tại cuộc họp, Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi với lãnh đạo các tỉnh và một số phường tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang): Số ca mắc trong cộng đồng tuần qua so với tuần trước, ngày hôm sau so với hôm trước thế nào, tăng hay giảm? Thứ hai, chu kỳ xét nghiệm là bao nhiêu ngày? Điều này rất quan trọng vì tốc độ xét nghiệm mà chậm hơn tốc độ lây lan thì không ngăn chặn được dịch. Thứ ba, tại những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội đã triển khai trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn theo các Công điện của Thủ tướng hay chưa?

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình thừa nhận còn những hạn chế trong phòng chống dịch, nhất là trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chưa nghiêm túc, “chặt ngoài nhưng lỏng trong”. Tỉnh đã phát hiện, chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục, ông Bình cho biết. Tỉnh cũng mới chỉ triển khai các tổ y tế, chưa lập các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn. Việc trả kết quả xét nghiệm PCR có lúc chậm.

Ngoài ra, ông Bình còn lúng túng khi trả lời, không nắm được các con số cụ thể mà phải chờ người báo cáo.

Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương phải nắm rất chắc các số liệu để lãnh đạo, chỉ huy phòng chống dịch hiệu quả. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không phải chi hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và nhiều thứ khác nữa”, Thủ tướng lưu ý các địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Với Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, ngoài các câu hỏi nêu trên, Thủ tướng hỏi kỹ về số ca tử vong trên địa bàn.

Ngoài ra, nêu một số lý do khiến có nhiều ca tử vong, như số bệnh nhân chuyển nặng chiếm tỉ lệ lớn, trong khi số lượng máy thở hạn chế, đặc biệt là khi chưa hoàn thiện được bệnh viện dã chiến và Trung tâm Hồi sức COVID-19 (ICU). Những ngày gần đây, sau khi các bệnh viện dã chiến và ICU đi vào hoạt động, công tác sàng lọc tại tầng 1 và tầng 2 tốt hơn, trang thiết bị và đội ngũ y tế đầy đủ hơn, thì số ca tử vong giảm.

Thủ tướng hỏi thêm, Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa?

Nghe Chủ tịch Tiền Giang cho biết tỉnh đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà, Thủ tướng nhấn mạnh: Điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau. “Người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì mới có thể phân loại, điều trị ca bệnh sớm, giảm số ca tăng nặng, giảm tử vong. Nếu xã, phường, thị trấn nào cũng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì chắc chắn hệ thống y tế sẽ quá tải”, Thủ tướng lưu ý. Ông cho biết “thực sự sốt ruột” với tình hình Tiền Giang chuyển từ “xanh” sang “đỏ”.

Thủ tướng bày tỏ chưa hài lòng vì trong quá trình thực hiện, một số lãnh đạo địa phương, nhất là ở cơ sở vẫn chưa nắm chắc tình hình, không đưa ra được mục tiêu, giải pháp cụ thể; nhận thức chưa đầy đủ để thực hiện xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch…; đây là nguyên nhân khiến giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu.

Tiếp đó, theo yêu cầu của Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia y tế tại các cơ sở y tế, nghiên cứu hàng đầu của Trung ương phát biểu, nhận định tình hình và làm rõ nhiều giải pháp về phòng chống dịch để hướng dẫn, gợi ý các địa phương, nhất là các giải pháp y tế, giải pháp về xét nghiệm, điều trị.

Các chuyên gia lưu ý, phải xét nghiệm thần tốc toàn dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội; xét nghiệm nhiều vòng (1 vòng trong 2 đến 3 ngày) tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao để phát hiện sớm nguồn lây, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hạn chế giãn cách xã hội kéo dài, trên phạm vi rộng…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp.

Tiếp tục chuẩn bị đầy đủ cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế; bảo đảm đủ ô xy, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở y tế tại tất cả các tầng. Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản đáp ứng và tổ chức huy động, tập huấn và phân bổ nhân lực cần thiết, đồng thời thiết lập các trạm y tế lưu động ngay tại các xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ y tế, điều trị người nhiễm COVID-19 trong trường hợp cần thiết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ Y tế có hướng dẫn khung nhưng không thể hướng dẫn chi tiết cho tất cả các nơi được. Do đó, lãnh đạo các tỉnh phải thảo luận rất kỹ với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC), lực lượng chi viện của Bộ Y tế…, lựa chọn địa bàn trọng tâm, trọng điểm để dồn lực tập trung xét nghiệm thần tốc, “chà đi xát lại”, bóc tách F0. Phó Thủ tướng lưu ý, phải hết sức linh hoạt trong chiến lược xét nghiệm phù hợp từng nơi, sử dụng nguồn lực tối ưu nhất.

Phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt

Thủ tướng đánh giá, qua gần 2 tháng thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, Kiên Giang và Tiền Giang đã có rất nhiều cố gắng, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, kết quả chưa được như mong muốn và dự báo tình hình có thể phức tạp hơn.

Về nguyên nhân, Thủ tướng nêu rõ, qua kiểm tra cho thấy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo một số nơi chưa nắm chắc, chưa quán triệt đầy đủ các chủ trương, giải pháp; việc nắm tình hình và dự báo tình hình chưa sát; tổ chức thực hiện bị động, lúng túng, không chặt chẽ, chưa khoa học, chưa phù hợp diễn biến dịch bệnh tại địa phương; còn có những bất cập trong quản lý cách ly, di chuyển, điều trị…

Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nhấn mạnh, các chủ trương, giải pháp đã tương đối đầy đủ, được nêu rất rõ tại các văn bản của Trung ương, nhất là các Công điện 1099 và 1102 của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu các tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, giải pháp đã có, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Theo đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo, phải nắm thật chắc các chủ trương, biện pháp về phòng chống dịch, quán triệt nghiêm túc, hiệu quả tới cấp huyện, cấp xã và tới người dân. Phải tăng cường giám sát, kiểm tra; tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, cấp dưới kịp thời báo cáo, đề xuất cấp trên. Tăng cường tương tác qua lại giữa các cấp để phát hiện, điều chỉnh kịp thời những yếu kém, khó khăn, bất cập. Thủ tướng nhắc lại và yêu cầu phải thực hiện thật tốt các phương thức lãnh đạo của Đảng.

“Phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời với việc chống dịch hiệu quả thì phải chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Việc kiểm soát, ngăn chặn lây lan phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Mỗi địa phương có chiến lược xét nghiệm phù hợp tình hình. Xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, nhanh chóng phát hiện, phong tỏa nguồn lây, phân loại, chăm sóc, điều trị F0 phù hợp, hiệu quả, tập trung điều trị những ca bệnh nặng, có bệnh nền, phụ nữ có thai, người cao tuổi, những người có nguy cơ cao… Những nơi giãn cách và tăng cường giãn cách phải xây dựng ngay trạm y tế lưu động để người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở, những nơi chưa thực hiện giãn cách cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để triển khai ngay khi cần. Tăng cường lực lượng y tế, nếu thiếu phải báo cáo ngay.

Làm thật tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, an toàn, an ninh, an dân; tăng cường thông tin - tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, hướng dẫn về chăm sóc, điều trị người bệnh… theo hướng đơn giản, dễ hiểu, từ ngữ giản dị để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”.

Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời với việc chống dịch hiệu quả thì phải chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng tình hình để trục lợi, nhất là trong mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm…, các cơ quan chức năng thấy có dấu hiệu sai phạm phải kịp thời phát hiện, vào cuộc kiểm tra, xử lý ngay.

Chính phủ, các bộ, ngành đang rất tích cực triển khai các giải pháp để có nhiều vaccine và thuốc điều trị bằng mọi kênh, mọi biện pháp. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tính toán, phân bổ và tổ chức tiêm vaccine khoa học, an toàn, hiệu quả, kịp thời; chủ động chuẩn bị vắc-xin cho những năm tới và vắc-xin cho trẻ em. Phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, ý thức người dân là quan trọng, Thủ tướng nhắc lại.

“Rất mong các tỉnh, các huyện, các xã đánh giá lại, phát huy những việc làm tốt, rút kinh nghiệm những việc chưa làm tốt, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để làm tốt hơn. Chủ trương, biện pháp đã đầy đủ, tôi nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện thật tốt từ tỉnh tới huyện, xã và thôn, ấp, tổ dân phố…, các bộ ngành phối hợp, giúp đỡ để 2 tỉnh thực hiện được mục tiêu của mình trong phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Thủ tướng phát biểu.