Thế giới

Thủ tướng Singapore tiếp theo muốn làm mới sự đồng thuận

Singapore đã kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch, "nhưng đã vấp phải những làn gió ngược" đến từ xung đột Nga-Ukraine và cạnh tranh Mỹ-Trung.

Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) hôm 28/6 cho biết, đảo quốc sư tử cần phải làm mới sự đồng thuận xã hội và giải quyết tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và giàu nghèo trong bối cảnh lo ngại gia tăng về việc bị bỏ lại phía sau trong một nền kinh tế thế giới ngày càng phức tạp.

Trong bài phát biểu về chính sách quan trọng nhất của mình kể từ khi được coi là lãnh đạo tiếp theo của đất nước, ông Wong cho biết, Singapore đã kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch, "nhưng đã vấp phải những làn gió ngược" mà theo ông là đến từ tác động của xung đột Nga-Ukraine và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thúc đẩy sự bình đẳng hơn giữa người dân Singapore, ông Wong cho biết, đất nước nên cùng nhau xác định tương lai của mình, bao gồm “chính phủ nên chi thêm bao nhiêu - và chi cho những gì”.

Ông cũng cho biết, Singapore sẽ tăng cường hệ thống thuế tiến bộ của mình “để mọi người có thể đóng góp một cái gì đó, nhưng những người có nhiều hơn sẽ đóng góp nhiều hơn”.

“Tôi hy vọng sẽ thấy một xã hội và hệ thống mang lại lợi ích cho nhiều người chứ không phải chỉ một số người; mang lại phần thưởng cho các tài năng thuộc nhiều lĩnh vực, không phải là một số ít phổ thông hoặc hạn hẹp; đánh giá cao và tôn vinh tất cả các cá nhân vì chính bản thân họ và những gì họ có thể đạt được; và cung cấp cho tất cả mọi người những cơ hội để thành công hơn trong suốt cuộc đời của họ”, Phó Thủ tướng Wong nói.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) hồi giữa tháng 4 đã được chọn làm người đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền (còn gọi là thế hệ 4G), mở đường cho ông trở thành Thủ tướng khi Thủ tướng kiêm Tổng thư ký PAP Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long) rời nhiệm sở.

Hồi tháng 5 ông Wong từng chia sẻ, ông dự định “làm mới” sự đồng thuận xã hội ở Singapore và phát triển “Forward Singapore” (Singapore tiến lên) – một chương trình nghị sự vạch ra “lộ trình cho thập kỷ tới và hơn thế nữa” cho đất nước.

Nối thất vọng vì lạm phát gia tăng, hiện đang ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, đã khiến bất mãn ngày càng gia tăng ở đảo quốc này.

Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long), bên trái, và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài). Ảnh: Asia Financial

Phần lớn người dân địa phương đã chỉ ra trong một cuộc thăm dò của Blackbox Research Pte. hồi tháng 5 rằng, họ nghĩ chính phủ đã làm rất tệ trong việc xử lý việc tăng giá.

Các quan chức chính phủ đã tìm cách xoa dịu tình hình với việc ông Wong thông báo trong bài phát biểu về ngân sách đầu tiên của mình hồi tháng 2 về kế hoạch tăng thuế đối với người giàu, cũng như bất động sản và xe hơi.

Tuy nhiên, các chính trị gia hàng đầu bao gồm cả Thủ tướng Lee cho rằng Singapore cũng có nguy cơ thua các trung tâm khác nơi đang tìm cách thu hút người nước ngoài giàu có đến đầu tư, nếu Singapore đi quá xa trong việc trừng phạt những người giàu có.

Tuần trước, giống như chính phủ nhiều nước trên thế giới đang cố gắng bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất do chi phí sinh hoạt tăng cao, Singapore đã công bố gói 1,5 tỷ đô la Singapore (1,1 tỷ USD) nhằm giúp các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn.

Giá cả ở Singapore đã tăng trong tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 5 vừa qua, đạt tốc độ nhanh nhất trong gần 14 năm.

Thủ tướng Lee cho biết, Singapore phải chuẩn bị cho những thách thức kinh tế lớn hơn vì lạm phát sẽ vẫn ở mức cao và các ngân hàng trung ương đang thắt chặt chính sách, đồng thời cảnh báo rằng thế giới có thể đối mặt với suy thoái trong vòng 2 năm tới.

Minh Đức (Theo Bloomberg)