Chính sách

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “TP.HCM cần phát huy tinh thần tiên phong"

Chiều 12/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM. Trong những kiến nghị mà địa phương gửi đến Thủ tướng, vấn đề hạ tầng giao thông được xem là bức thiết nhất.

Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trình bày với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM.

Theo lãnh đạo TP.HCM, cơ chế, quy định được đề xuất này còn nhằm xác định được khung thời gian tối đa để hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án kể từ ngày có thông báo thu hồi đất và khung thời gian tối đa để hoàn thành thu hồi đất, bàn giao mặt bằng dự án.

Cơ chế, quy trình phải đảm bảo tuân thủ pháp luật. Đối với cơ chế “đặc thù” chưa được pháp luật quy định, không thuộc thẩm quyền của thành phố thì phải báo cáo xin ý kiến các Bộ ngành hoặc Thủ tướng Chính phủ. Nội dung chủ yếu qua 2 khâu, công tác chuẩn bị và công tác tổ chức thực hiện, quy định rõ nội dung, cơ quan thực hiện, cơ quan phối hợp và thời gian hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các công nhân thi công tuyến Metro số 1 vào sáng 12/4. (Ảnh: Hà Khánh).

Bên cạnh đó, các kiến nghị của TP.HCM cũng nêu bật vấn đề về hạ tầng giao thông của địa phương. Một là tạm ứng vốn cho dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Trong bối cảnh khó khăn, để đảm bảo tiền độ thanh toán cho các nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết, hạn chế phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, UBND TP.HCM kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án ngay sau khi nhận được hướng dẫn của bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT).

“Đồng thời, mong Chính phủ chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách Trung ương với số tiền là 2.158,5 tỷ đồng. UBND TP chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn trả tạm ứng ngay sau khi bộ KH-ĐT bố trí kế hoạch vốn cho dự án. Nếu ngân sách Trung ương không thể tạm ứng, kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận cho UBND TP được thực hiện tạm ứng từ ngân sách thành phố”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu.

Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TP.HCM. Đồng thời, cho phép TP tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ Trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án, ngân sách Trung ương sẽ bố trí hoàn trả lại theo hướng bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 đối với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần năng động, sáng tạo của TP.HCM. (Ảnh: Hà Nhân).

Đánh giá các kiến nghị của lãnh đạo TP.HCM, Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, giao thông là điểm nghẽn rất lớn của TP.HCM. “Nếu không khẩn trương có kế hoạch xây dựng và phát triển hệ thống giao thông thì tốc độ tăng trưởng của TP sẽ giảm dần, thậm chí bị bão hòa. Tốc độ đô thị nhanh nên 85% TP.HCM đã đô thị hóa, gần như hết động lực bên trong. Nếu muốn phát triển, cần có tuyến đường vành đai, cao tốc để kết nối các đô thị vệ tinh. Như vậy mới đủ điều kiện tiếp tục dẫn đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.

Báo cáo thêm với lãnh đạo Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ: “Trong khi mức ngân sách được địa phương được giữ lại còn chênh lệch với quy mô và vấn đề cần giải quyết thì mỗi năm, TP.HCM tăng thêm gần 1 triệu người, thêm gần 1 triệu xe máy thì không còn đường để đi, hệ tầng giao thông ngày càng khó khăn”.

Giải đáp và chỉ đạo các vấn đề mà lãnh đạo TP.HCM kiến nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của đô thị lớn nhất cả nước này.

“GDP của TP.HCM vẫn tăng cao hơn mức của cả nước. Chính phủ có lời hoan nghênh, khen ngợi địa phương đã cố gắng dù còn khó khăn. Thêm nữa, thu ngân sách vẫn tiếp tục dẫn đầu và đầu tư nước ngoài tiếp tục đứng thứ 2 cả nước, sau Hà Nội với nhiều dự án quy mô, năng suất lao động vẫn cao nhất”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn về vốn, chính sách để phát triển giao thông cho TP.HCM. (Ảnh: Hà Nhân).

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, TP.HCM cần phải triển khai quyết liệt hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, cần phân công và đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

“Về vấn đề đường sắt đô thị Metro của TP.HCM, bộ GTVT và bộ Tài chính phải phối hợp để trình lên Chính phủ giải pháp tháo gỡ cho dự án giao thông trọng điểm này. Đây là nhu cầu rất lớn của người dân TP.HCM nên phải tạo nguồn lực, cơ chế để giải quyết cho địa phương. Tôi yêu cầu cuối năm 2020, tuyến Metro số 1 phải hoàn thành và đến năm 2021 sẽ khánh thành. Nhất định không để tình trạng kéo dài, làm mất niềm tin của nhà đầu tư”, Thủ tướng nói rõ.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng quả quyết, TP.HCM phải phát huy tinh thần tiên phong, dẫn đầu cả nước về mọi mặt kinh tế - văn hóa – xã hội. "Phải tìm cách phát triển để so sánh với các thành phố trong khu vực châu Á như Kuala Lumpur, Bangkok, Singapore”, Thủ tướng bày tỏ.