Chính sách

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc Diễn đàn “Vành đai và Con đường”

Sáng ngày 26/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao của 36 quốc gia, cùng Tổng thư ký Liên hợp quốc và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tham dự khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn” tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn. Diễn đàn bao gồm hội nghị bàn tròn của các nhà lãnh đạo và đối thoại cấp cao dành cho các bộ trưởng, doanh nghiệp và giới học giả.

Nhân dịp tham dự Diễn đàn, ngày 26/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả hợp tác tích cực trên các lĩnh vực giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước thời gian qua; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và mong muốn thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước phát triển ổn định, bền vững; bày tỏ ủng hộ Trung Quốc phát huy vai trò ngày càng quan trọng và tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực; đánh giá cao việc Trung Quốc đã tích cực phối hợp phối hợp giải quyết vấn đề nhập siêu của Việt Nam theo hướng thương mại cân bằng, bền vững, mở cửa thị trường cho các sản phẩm sữa và măng cụt của Việt Nam; đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam, nhất là thịt lợn và tổ yến, tạo thuận lợi cho thương mại gạo giữa hai nước; hoan nghênh Trung Quốc triển khai các dự án, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đại diện cho trình độ phát triển của Trung Quốc tại Việt Nam; đề nghị Trung Quốc tìm biện pháp giải quyết một số tồn tại trong các dự án hợp tác giữa hai bên; cấp giờ hạ cất cánh phù hợp cho các hãng hàng không Việt Nam; thúc đẩy ký mới Hiệp định đường sắt, kết nối đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tham gia hiệu quả vào tuyến vận tải Trùng Khánh - Singapore; tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, du lịch, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, hợp tác giám sát an toàn hạt nhân; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt 03 văn kiện biên giới trên đất liền Việt - Trung. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị hai nước tiếp tục phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp; thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển đạt tiến triển thực chất; đạt tiến triển về phân định ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vào năm 2020; xử lý vấn đề nghề cá và ngư dân trên tinh thần nhân đạo; sớm ký kết Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển Việt Nam - Trung Quốc và gia hạn Thỏa thuận về đường dây nóng về nghề cá trên biển; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC; tích cực thúc đẩy đàm phán để xây dựng COC thực chất, có hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai; khẳng định Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam; kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài với Việt Nam; bày tỏ tán thành những phương hướng và biện pháp lớn do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất; khẳng định Trung Quốc không chủ trương xuất siêu sang Việt Nam, sẵn sàng thúc đẩy cân bằng thương mại song phương, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường hợp tác về thương mại và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; nỗ lực cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Ngay sau cuộc hội kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chứng kiến Lễ trao 03 văn bản hợp tác gồm: (i) Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa; (ii) Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nước CHXHCN Việt Nam và Tổng Cục Hải quan nước CHND Trung Hoa về các yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và (iii) Kế hoạch hợp tác Văn hóa và Du lịch giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Văn hóa và Du lịch nước CHND Trung Hoa giai đoạn 2019 - 2021. Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn lần này, các bộ, ngành hai nước đã ký một số văn bản hợp tác khác trên lĩnh vực nông nghiệp.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Thủ tướng Hun Sen và nhân dân Campuchia nhân dịp Năm mới của Vương quốc Campuchia (Chol Chanam Thmey). Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước, nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận cấp cao 2019, tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác song phương. Hai Thủ tướng trao đổi nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước hiện nay, trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Campuchia và Thủ tướng Hun Sen dành ưu tiên cao cho việc tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người gốc Việt tại Campuchia yên tâm làm ăn sinh sống hợp pháp và thuận lợi tại Campuchia.

Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hai bên hài lòng nhận thấy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là điểm sáng quan hệ; Singapore tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu đầu tư vào Singapore với hơn 100 dự án, tổng vốn gần 300 triệu USD. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn tăng kim ngạch thương mại song phương trên mức gần 8 tỷ USD hiện nay. Hai bên nhất trí sớm triển khai xây các dự án như Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Quảng Trị, Công viên phần mềm số 2 tại Đà Nẵng, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử. Hai Thủ tướng cũng trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề tăng cường phối hợp xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh, đặc biệt khi Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 cũng như vấn đề Biển Đông, bày tỏ mong muốn các bên thúc đẩy thực hiện DOC, xây dựng COC hiệu quả và ràng buộc pháp lý trong thời gian tới.

Trong cuộc gặp Tổng thống Tajikistan (Emomali Rahmon), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Tajikistan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tích cực tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; rà soát, thúc đẩy ký kết các hiệp định trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định kiểm dịch động vật, thực vật, tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự… Nhân dịp này, Tổng thống Emomali Rahmon mời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Tajikistan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với ông Toshihiro Nikai, Tổng thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước nói chung, giữa Liên minh nghị sĩ hữu nghị và các nghị sĩ Quốc hội hai nước nói riêng, đồng thời tiếp tục tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư để tăng tính liên kết giữa nền kinh tế hai nước. Tổng thư ký Nikai, đồng thời là Chủ tịch Liên minh nghị sĩ Nhật – Việt, khẳng định quan hệ hai nước ngày càng gắn bó chặt chẽ; mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ dự án trường Đại học Việt-Nhật. Hàng năm có hàng triệu công dân hai nước qua lại lẫn nhau, hơn 300 nghìn người Việt Nam đang sinh sống và học tập ở Nhật Bản, nhiều người giỏi tiếng Nhật, hiểu văn hóa Nhật và là tài sản quý giá của dân tộc hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn Chính phủ Nhật Bản tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc thuận lợi tại tại Nhật Bản.