Tiêu điểm

Thủ tướng kỳ vọng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2023 ở mốc 55 tỷ USD

Bất chấp những dự báo khó khăn trong năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự tin tưởng ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra.

Sáng 13/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của lãnh đạo Bộ NN&PTNT và ý kiến phát biểu tham luận, Thủ tướng đã phân tích thêm một số thành tựu, kết quả nổi bật trong năm 2022 của Bộ NN&PTNT.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao thành quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022. Kết quả là trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp đã vượt qua những khó khăn từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng để đạt được những kết quả khả quan.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn Bộ NN&PTNT sẽ phát huy, kế thừa những thành quả và với truyền thống ngành nông nghiệp, năm 2023 tiếp tục phát triển, bứt phá và mạnh mẽ, bền vững hơn.

Nhận định về thành tựu của ngành nông nghiệp, Thủ tướng chia sẻ, con số 3,36% là mức tăng trưởng cao nhất của nông nghiệp Việt Nam. Qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, giúp người dân “đủ ăn đủ mặc”, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. 

“Không những thế, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản còn đạt hơn 53 tỷ USD, qua đó đóng góp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Bộ NN&PTNT đã thực hiện tốt việc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, chuyển đổi tư duy sẽ có nguồn lực”.

Từ đó, gắn sản xuất với thị trường, phải nắm sát thị trường, thị hiếu và biến chuyển tiêu dùng để sản xuất sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác chế biến, đóng gói bao bì và bảo quản sau thu hoạch xây dựng theo chuỗi giá trị gia tăng để nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người dân.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong hoạt động, để công nghiệp hóa được nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của các địa phương (Ảnh: Chí Tuệ).

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của ngành nông nghiệp trong năm 2022. Theo đó, tăng trưởng ngành chưa bền vững; kiểm soát thẻ vàng IUU chưa dứt điểm; một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ chưa nhiều;

Ngoài ra, còn tồn tại sự chênh lệch về chất lượng phát triển nông thôn mới và sản phẩm OCOP; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình nông nghiệp tại Nghệ An, Hà Nam còn chậm; thu nhập cho lao động ngành nông nghiệp chưa cao.

Thủ tướng nhận định bối cảnh thế giới trong năm 2023 sẽ có nhiều thách thức hơn như: xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa kết thúc, kinh tế toàn cầu suy giảm, khủng hoảng năng lượng, chính sách chống lạm phát của các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…

Từ đó, người đứng đầu Chính phủ đề ra các giải pháp cho năm 2023. Một là, việc xây dựng thương hiệu cần làm ngay sau khi quy hoạch. Hai là, quy hoạch vùng nguyên liệu cần phù hợp, xứng tầm. Ba là, đẩy mạnh công nghệ, ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Về một số chỉ tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 3,5%; giá trị kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, với sự quyết tâm của các đơn vị, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, toàn ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu năm 2023 mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Về hoạt động xúc tiến thương mại, Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo hướng sâu rộng, hiệu quả; phải chủ động tìm đến các thị trường. Để làm được điều này, Bộ NN-PTNT phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao để tìm thêm những thị trường tiêu thụ mới.