Kinh tế vĩ mô

Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế cho xăng, dầu

Bộ Tài chính được yêu cầu phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 160 ngày 22/2/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân tại một số địa phương.

Theo đó, để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ trước đó, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan để xác định cam kết sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước thời gian tới, làm cơ sở cho việc nhập khẩu xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu theo thẩm quyền và quy định tại Nghị định số 83 năm 2014 và Nghị định số 95 năm 2021 về kinh doanh xăng dầu theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình sản xuất, nhập khẩu, phân phối xăng dầu, điều hành giá xăng dầu và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về vấn đề này, đồng thời công khai các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và biện pháp xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự ổn định của thị trường xăng dầu.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu  trong nước (Ảnh: Hữu Thắng).

Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường các biện pháp phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và phân phối xăng dầu.

Thanh tra Chính phủ bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2022 việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm không bị gián đoạn.

Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Đề xuất phương án giảm thuế của hai bộ cần được báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2 theo đúng chỉ đạo tại văn bản số 486 của Văn phòng Chính phủ.

Hiện nay, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng mỗi lít. 

Bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, mặt hàng xăng còn chịu nhiều loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8% và không thu thuế với các loại dầu), thuế nhập khẩu 8%, thuế giá trị gia tăng.

Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050 - 1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu.