Thế giới

Thủ tướng Đức thảo luận về an ninh Ukraine, kêu gọi chống lạm phát

Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi người dân "nắm tay và gắn bó với nhau” để ứng phó với giá cả sinh hoạt tăng cao.

Thủ tướng Olaf Scholz đã chia sẻ trên đài truyền hình ARD của nước này vào hôm 3/7 rằng Đức đang cùng các đồng minh thảo luận về việc đảm bảo an ninh cho Ukraine. Ông Scholz cho biết: "Chúng tôi đang thảo luận với những người bạn thân về sự đảm bảo an ninh mà chúng tôi có thể đưa ra. Đây là một quá trình liên tục".

Thủ tướng Đức nói thêm: "Đây là một vấn đề được chuẩn bị kỹ lưỡng trong lĩnh vực ngoại giao, cho ngày mà chúng tôi hy vọng sớm chứng kiến xung đột kết thúc”.

Trước đó, vào hôm 2/7, Thủ tướng Olaf Scholz đã kêu gọi người dân Đức cùng nhau đối mặt với các vấn đề kinh tế của đất nước, trong bối cảnh lạm phát nước này vào tháng 6 vừa qua đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù lạm phát tại Đức trong tháng 6 đã “hạ nhiệt” so với mức tăng 7,9% trong tháng 5, nhưng hiện vẫn ở mức cao. 

Thủ tướng Scholz thừa nhận giá cả gia tăng đang gây khó khăn cho nhiều người, ông kêu gọi người dân "nắm tay và gắn bó với nhau”. Ông Scholz cho biết sẽ triệu tập các chuyên gia trong một cuộc họp để ứng phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến thủ đô Kiev, Ukraine vào ngày 16/6/2022. Ảnh: AFP.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, giá lương thực, nhiên liệu và năng lượng tăng vọt đã ảnh hưởng lớn đến túi tiền của người dân Đức. Lạm phát cao càng trở nên trầm trọng hơn bởi tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Khi chia sẻ với hãng tin Reuters trong tuần này, chuyên gia kinh tế Ulrich Kater tại Ngân hàng DekaBank (Đức) cho rằng giá sẽ không giảm trong tương lai gần. Ông Kater nói: "Chúng ta phải lường đến trường hợp lạm phát dao động quanh khoảng 7% cho đến cuối năm".

Nga đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho một số nước châu Âu, trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow liên quan đến xung đột tại Ukraine.

Ông Klaus Muller, người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức (Bundesnetzwerkagentur), nhận định nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt giảm lâu hơn vì lý do chính trị, nước Đức phải nghiêm túc tính đến về các biện pháp giảm tiêu thụ, tiết kiệm khí đốt.

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, DW)