Thế giới

Thủ tướng Đức đích thân tới Nga vì căng thẳng Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tới Nga vào ngày 15/2 để nhấn mạnh thông điệp, Nga sẽ phải trả một cái giá đắt về mặt kinh tế nếu tấn công Ukraine.

Ngày 13/2, AP đưa tin, Thủ tướng Olaf Scholz dự kiến tới Nga và Ukraine để xoa dịu căng thẳng sau khi tình báo phương Tây lo ngại "Nga sắp can thiệp quân sự vào Ukraine". 

Trước chuyến thăm dự kiến tới Kiev ngày 14/2 và Moscow ngày 15/2, Thủ tướng Scholz tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ các giải pháp ngoại giao để xuống thang căng thẳng.

"Công việc của chúng tôi là đảm bảo ngăn chặn một cuộc chiến ở châu Âu. Chúng tôi gửi một thông điệp rõ ràng đến Nga rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng phải lãnh hậu quả rất lớn", ông Scholz phát biểu tại Quốc hội Đức ngày 12/2.

Trong chuyến đi đến Moscow, ông Scholz sẽ nhấn mạnh "sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh" khi đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế để đáp trả một cuộc tấn công, theo các nguồn tin từ Chính phủ Đức.

Nguồn tin cho biết thêm, ông Scholz đề nghị có một cuộc đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin để hiểu thêm nguyên nhân khiến Nga bất bình. Tờ Die Welt cho hay, ông có thể nhấn mạnh việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không phải là một viễn cảnh thực tế trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, một thỏa hiệp đảm bảo với Nga rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO "trong 10 năm tới" đã được thảo luận trong chính quyền Scholz như một "thử nghiệm tưởng tượng", mặc dù không có kế hoạch cụ thể.

Chính phủ Đức hôm 13/2 đã nói về một “bức tranh tổng thể rất đáng lo ngại” ở biên giới Ukraine, nhưng bác bỏ ý kiến rằng chuyến đi của ông Scholz thể hiện “nỗ lực cuối cùng” nhằm ngăn chặn chiến tranh.

Thực tế, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhiều lần tuyên bố, Nga sẽ trả "giá đắt" nếu tấn công nước láng giềng nhưng bị chỉ trích vì chính phủ của ông không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Thủ tướng Scholz không nêu rõ Nga sẽ lãnh hậu quả như thế nào song đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 (chưa đi vào hoạt động) vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức dưới biển Baltic được cho là sẽ bị ảnh hưởng. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng dọa sẽ chặn đường ống này nếu Nga tấn công Ukraine.

Trưởng phòng Năng lượng, Giao thông vận tải và Môi trường tại Viện Nghiên cứu kinh tế Đức Claudia Kemfert bình luận: "Đức không có nhiều đòn bẩy. Đòn bẩy chính trị duy nhất là đe dọa không phê duyệt đường ống dẫn dầu Nord Stream 2".

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Nga tỏ ra không lo ngại với những lời đe dọa trừng phạt của phương Tây. Đại sứ Nga Viktor Tatarintsev tại Thụy Điển nói, đất nước của ông "không quan tâm" đến những tác động kinh tế.

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, ông Biden đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào ngày 13/2 sau khi ra lệnh sơ tán gần như toàn bộ đại sứ quán Mỹ ở Kiev. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, ông Biden nói rõ rằng Mỹ sẽ "phản ứng nhanh chóng và dứt khoát trước bất kỳ hành động gây hấn nào của Nga".

Minh Hoa (t/h theo Zing, Người lao động)