Thế giới

Thủ tướng Đức chuẩn bị cho chuyến thăm “gây tranh cãi” tới Trung Quốc

Thủ tướng Đức sẽ là nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ cuối năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Đức tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc, “vì lợi ích của đôi bên”, nhưng sẽ không bỏ qua “những tranh cãi”, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố.

“Trung Quốc vẫn là một đối tác kinh tế và thương mại quan trọng đối với Đức và châu Âu, ngay cả khi hoàn cảnh đã thay đổi”, ông Scholz cho biết trong một bài báo cho tờ nhật báo Đức trung hữu Frankfurter Allgemeine Zeitung hôm 3/11. “Chúng tôi không muốn tách rời khỏi Trung Quốc”.

Tuyên bố của Thủ tướng Đức Olaf Scholz được đưa ra trước thềm chuyến thăm chính thức của ông tới Trung Quốc vào ngày 4/11 cùng với phái đoàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức.

Trong bài viết trên tờ nhật báo nổi tiếng của Đức, ông Scholz cũng liệt kê “những chủ đề khó” mà ông sẽ nêu ra trong chuyến thăm, bao gồm vấn đề tôn trọng quyền tự do dân sự, quyền của các dân tộc thiểu số ở Tân Cương và thương mại thế giới tự do và công bằng.

Nỗi lo phụ thuộc

Thủ tướng Đức sẽ là nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ cuối năm 2019, trước khi đại dịch coronavirus bùng phát. Chuyến thăm sẽ diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiếp tục theo đuổi chính sách zero-Covid cứng rắn.

Nhưng nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội khi quyết định thực hiện chuyến đi, và ngay cả các thành viên trong liên minh cầm quyền của chính ông cũng nêu lên lo ngại về việc Đức phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh.

Những lo ngại như vậy đã tăng lên sau khi sự phụ thuộc của Đức vào năng lượng Nga bị phơi bày rõ ràng theo nhịp độ của chiến dịch của Moscow ở Ukraine.

Ông Olaf Scholz chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay ở Hamburg ngày 6/7/2017. Khi đó ông Scholz còn là Thị trưởng Hamburg. Ảnh: Getty Images

Và sự phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc phức tạp hơn so với phụ thuộc vào Nga: Hơn một triệu việc làm của Đức phụ thuộc trực tiếp vào Trung Quốc, và nhiều việc làm khác phụ thuộc gián tiếp. Gần một nửa các khoản đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc là từ Đức, và gần một nửa số doanh nghiệp sản xuất của Đức phụ thuộc vào Trung Quốc về một số phần trong chuỗi cung ứng của họ.

Ngoài thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, ngành công nghiệp Đức cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu và công nghệ quan trọng cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không các-bon. Từ mô-đun năng lượng mặt trời cho đến pin cho ô tô điện, vài trò của Trung Quốc là rất quan trọng.

Đức sẽ tiếp tục yêu cầu “có đi có lại” trong quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Scholz nói, nhưng thừa nhận cả hai bên đều cách mục tiêu đó rất xa, nhất là trong các lĩnh vực như tiếp cận thị trường, an toàn pháp lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Scholz cũng xoa dịu lo ngại của các đối tác EU bằng cách nhấn mạnh rằng Đức sẽ thực hiện điều này với tư cách một quốc gia châu Âu tìm kiếm lợi ích riêng của mình.

“Khi tôi đến Bắc Kinh với tư cách là Thủ tướng Đức, thì tôi cũng đến với tư cách là một người châu Âu”, ông nói về chuyến thăm, trong đó ông sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc.

Ông Scholz nhấn mạnh ông sẽ không phát biểu thay mặt cho toàn thể EU, nhưng chính sách đối ngoại của Đức “chỉ có thể thành công” như một phần của chiến lược chung của châu Âu đối với Trung Quốc.

Cổ phần của các công ty Trung Quốc

Washington - đồng minh an ninh hàng đầu của Berlin - đã tỏ ra khó chịu về chuyến thăm, mặc dù một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói với các nhà báo hôm 2/11: “Tôi nghĩ những gì chúng ta đã thấy trong vài năm qua đang làm tăng sự liên kết giữa chúng ta và châu Âu về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra”.

Chủ đề này có thể sẽ được đưa ra trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock trong ngày 3/11, bên lề cuộc đàm phán của Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp phát triển (G7) ở thành phố Muenster, miền Tây nước Đức. Chuyến bay của ông Blinken đã hạ cánh xuống Đức tối hôm 2/11.

Mỹ đặc biệt quan tâm đến việc Đức cho phép tập đoàn vận tải biển khổng lồ COSCO của Trung Quốc mua cổ phần của một bến cảng container ở phía bắc thành phố Hamburg.

Bất chấp sự phản đối của 6 Bộ trưởng dưới quyền và các giám đốc tình báo trong và ngoài nước, ông Scholz vẫn tạo ra một thỏa hiệp để cho phép công ty vận tải nhà nước Trung Quốc mua 25% cổ phần trong cảng container Đức, thay vì 35% theo kế hoạch trước đó.

Đức đạt thỏa thuận với công ty vận tải nhà nước Trung Quốc về 25% cổ phần trong một cảng container ở phía bắc thành phố Hamburg. Ảnh: Politico.eu

Câu hỏi liệu công ty Trung Quốc có được phép tham gia vào quyền sở hữu của bến cảng trên hay không đã gây ra những cuộc tranh luận chính trị căng thẳng ở Đức.

Nhưng Bộ Kinh tế Đức cho biết, COSCO sẽ không thể chiếm cổ phần vượt quá ngưỡng 1/4 trong tương lai nếu không có quy trình xem xét đầu tư mới, lưu ý rằng tập đoàn của Trung Quốc cũng không có quyền phủ quyết đối với các quyết định kinh doanh chiến lược hoặc nhân sự theo thỏa thuận trên.

Ông Thomas Haldenwang, người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa Đức cho biết: “Người ta thường nói nếu Nga là cơn bão, thì Trung Quốc là biến đổi khí hậu. Chúng tôi không thể cho phép một tình huống mà nhà nước Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các sự kiện chính trị ở Đức, có thể thông qua cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Chính phủ của Thủ tướng Scholz đang soạn thảo chiến lược Trung Quốc đầu tiên của mình, dự kiến sẽ được Ngoại trưởng Baerbock trình bày vào đầu năm tới.

Minh Đức (Theo Malay Mail, Bloomberg, NY Times)