Toàn cảnh

Thư từ miền Trung nước Đức: Tết Việt Nam ở nhà chị Tue Steinmetzger

Chị Tuệ (Tue Steinmetzger) đã định cư tại Đức trên 30 năm, hiện sống cùng người chồng Đức ở một thành phố nhỏ miền Trung nước Đức, nhưng chị luôn nhớ đến Tết Việt. Câu chuyện về Tết mà chị kể cho báo Người Đưa Tin bằng một giọng văn điềm tĩnh, nhưng vẫn làm cho người đọc cảm thấy nỗi nhớ và sự hoài niệm da diết về quê hương của tác giả.

Thường thì tháng Một và tháng Hai là những tháng lạnh giá ở Đức. Sau những ngày ồn ào vui nhộn vào dịp Giáng sinh và Tết dương lịch, là những ngày hối hả với những công việc đầu năm, lo toan những khoản tiền tạm ứng phải trả cho năm mới. Nào là các loại tiền cho bảo hiểm, tiền cho điện nước...

Tháng Một và Hai cũng là những tháng nghỉ đông, đi trượt tuyết của người Đức. Còn cộng đồng người Việt bắt đầu rậm rịch về Việt Nam ăn Tết.
Trước kia mình cũng hay về thăm nhà vào dịp Tết. Có lần về đến sân bay Nội Bài vào đúng ngày 30 Tết, được anh công an cửa khẩu trong lúc kiểm tra hộ chiếu hỏi một câu đầy sự thông cảm: “Sao chị không về sớm mà phải về ăn Tết vào ngày mà “năm cùng, tháng tận” thế này? Gia đình đâu mà chị đi một mình thế?”(!)
Từ nhiều năm nay, mình không về vào dịp Tết vì nhiều lý do. Nhưng dù ở bên này, Tết nào mình cũng chuẩn bị đôi chút cho đỡ nhớ không khí Tết Việt Nam. Những năm còn sống ở Thủ đô Berlin, cảm nhận không khí Tết rộn ràng hơn. Cộng đồng người Việt sống ở đây khá đông, nên không khí Tết cũng sôi động. Những ngày sát Tết, đi vào chợ Đồng Xuân của người Việt thấy như Tết Việt Nam đang ở quanh đây. Bánh chưng, xôi, giò chả, mứt...và đồ Tết tràn ngập khắp nơi.
Mình sống và làm việc tại khu trung tâm Berlin nên ít có thời gian vào chợ Đồng Xuân trong dịp Tết. Phần vì công việc đầu năm thường bận và chợ Đồng Xuân khá xa nơi ở. Nhưng đi làm về hay tạt qua các cửa hàng người Việt quanh đó cũng thấy được phảng phất không khí Tết, ghé vào cửa hàng hoa của gia đình quen ngay cạnh nhà để mua vài cành hoa đào cho ngày Tết.

Cô bán hàng người Hà Nội năm nào cũng hẹn hò sẽ chọn cho hoa đào đẹp. Phần lớn hoa đào được trồng ở châu Âu nhưng khá giống đào Việt Nam. Cô còn nói trong chợ Đồng Xuân có bán hoa đào từ Việt Nam đem sang. Nhưng đối với mình hoa đào của cô hàng hoa tốt bụng này cũng rất đẹp rồi.
Nếu 30 Tết rơi vào ngày đi làm, mình cũng xin cơ quan về sớm, để trước 6 giờ chiều - tức là trước thời khắc giao thừa theo giờ Việt Nam, làm một mâm ngũ quả với cành hoa đào mới mua cho có chút ngày Tết.

Từ nhiều năm nay, mình chuyển về sống ở một thành phố nhỏ miền Trung nước Đức. Nơi đây chỉ có một số rất ít người Việt sống, hầu như không nhìn thấy người Việt ngoài đường. Tháng Một hoặc Hai ở vùng núi này khá rét. Tuy vậy, mình cũng cố gắng chuẩn bị Tết giống như những ngày sống ở Berlin.

Vào dịp sát Tết, nhà mình hay được người quen ở Berlin gửi tặng bánh chưng do họ tự làm. Chồng mình là người Đức, nhưng rất quan tâm đến phong tục, tập quán Việt Nam và năm nào cũng thế, chồng mình đều về nhà trước 6 giờ chiều vào ngày 30 Tết, nếu hôm đó là ngày đi làm. Ở tỉnh lẻ này, không tìm ra hoa đào như ở Berlin, nhưng cũng có thể mua hoa hoặc cây quất nhỏ ở chợ hoa Đức. Ở vườn nhà mình có một cây hoa mà người Đức gọi là hoa hạnh nhân. Hoa nở giống như đào phai của Hà Nội, và thường nở rực rỡ vào cuối tháng Tư. Mỗi khi thấy mình phàn nàn là thiếu hoa đào ngày Tết, chồng mình thường nói: “Tiếc là cây hoa hạnh nhân nhà mình nở vào tháng Tư chứ không nở vào tháng Giêng. Thôi, em đành đưa vài ảnh cây hoa đó lên cho có không khí Tết đi.”

Hoa hạnh nhân ở Đức có màu sắc như đào phai Hà Nội


Cậu con út học ở thành phố cách nhà 50 km, tối 30 cũng tranh thủ về nhà ăn với bố mẹ bữa cơm Tết Việt Nam, cũng bánh chưng, nem rán, nộm và giò chả. Chồng con mình thích nhất là nem rán, còn mình thì mong Tết đến để ăn bánh chưng với giò.

Tết Việt Nam nhà mình là thế. 

Tue Steinmetzger