Văn hoá

Thư từ Ba Lan: Có còn là miền đất hứa?

Tác giả là nguyên Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, đồng thời cũng là một nhà văn. Ông từng viết nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết về cộng đồng người Việt ở châu Âu và Ba Lan. Gần Tết Kỷ Hợi 2019, thư ông gửi cho báo Người Đưa Tin như là một bài phóng sự nóng bỏng và trăn trở…

Nghe mẹ hỏi “Tết này con lại không về được à?”, giọng Hoa nghèn nghẹn “Vâng! Hàng tồn nhiều quá, con phải ở lại để giải quyết, mẹ ạ.” Cả hai đều cùng im lặng một lúc lâu. Nghe tiếng thở dài từ iPhone vọng ra, Hoa bỗng thấy cay mắt, thương mẹ đến thắt lòng. Không muốn mẹ nhìn thấy những giọt nước mắt đang chực trào ra nơi khóe mắt, Hoa ấn nút tắt màn hình, chỉ để lại tiếng. Cố giấu tâm trạng, nhưng giọng Hoa vẫn nghẹn đặc: “Tết sau con sẽ thu xếp để đưa các cháu về thăm bà.” Tiếng mẹ Hoa nhỏ nhẹ như một lời trách: “Đã ba cái tết con hứa vậy rồi. Thôi mẹ đi nằm đây. Mấy hôm nay trở trời, cái lưng lại ê ẩm đau, mẹ không ngồi lâu được”.

Năm ngoái, đúng vào thời điểm người Việt Nam ở Ba Lan trong đó có Hoa chuẩn bị về quê đón tết thì các Trung tâm Thương mại vùng Wólka Kosowska bỗng dưng bị liên ngành thuế vụ, hải quan ập vào kiểm tra. Kho của công ty Hoa bị niêm phong và phải nộp khoản tiền phạt gần năm mươi nghìn đô la nên Hoa đành hủy vé, ở lại để giải quyết hậu quả. Dĩ nhiên Hoa không hề đơn độc bởi có rất nhiều gia đình buộc phải ở lại để đối phó với cả hệ thống công quyền đang tuyên chiến với giới “kinh tế đen” mà người Việt Nam tại Ba Lan được đánh giá là một thế lực đáng kể.

Đảng Công lý và Pháp luật (PiS) lên cầm quyền, thiếu tiền để thực hiện các chính sách xã hội nên càng mạnh tay chống tham nhũng và kinh tế ngầm với phương châm “Tận thu tiền của giới buôn lậu, trốn thuế để chi phúc lợi cho người nghèo”. Không hề mang tính kì thị hay bài xích, chiến dịch đánh vào các nguồn thu nhập thiếu minh bạch để tăng thu cho ngân sách chẳng loại trừ ai, và được tiến hành rộng khắp, thường xuyên.

Suốt 30 năm qua, cách kinh doanh của người Việt Nam vẫn “hoang dã” như thuở nền kinh tế Ba Lan mới chuyển từ bao cấp sang thị trường. Tức là bán hàng hầu như không xuất hóa đơn VAT, nếu có thì không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các cơ quan chức năng Ba Lan ước tính, thuế VAT từ số hàng hóa trị giá hàng tỷ đô la nhập từ châu Á, nhà nước mới chỉ thu được chừng 10% số tiền đáng lẽ phải thu.

Wólka Centre là tổ hợp Trung tâm Thương mại bán buôn do các doanh nhân Trung Quốc, Việt Nam và Thổ Nhỹ Kỳ đầu tư, có diện tích dưới mái hơn 200.000 m2 thương mại và 50.000 m2 nhà ở, xây dựng trên khuôn viên đất rộng gần 100 héc-ta. Hơn 3000 công ty thuê mặt bằng kinh doanh tại đây, trong đó một nửa của doanh nhân Việt Nam, nửa còn lại của doanh nhân Trung Quốc, Thổ Nhỹ Kỳ, Ba Lan, Ấn Độ, Litva… Theo ước tính sơ bộ, khoảng 70-80% tiềm lực kinh tế của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan tập trung ở vùng Wólka Kosowska cách thủ đô Warszawa hơn 20 km này.  

Ở hay về?

Hơn một năm qua, lực lượng liên ngành cảnh sát, biên phòng, thuế vụ, hải quan Ba Lan “quần nát” vùng Wólka Kosowska. Có thời gian kéo dài hàng tháng, tất cả 6 con đường từ Wólka Centre nối ra thế giới bên ngoài đều bị cơ quan chức năng lập chốt chặn kiểm tra cả ngày lẫn đêm 24/24. Các xe container, xe tải, và xe con chạy qua bị chặn lại ngẫu nhiên để kiểm tra hàng hóa và hóa đơn bán hàng.

Cuối năm 2017, khi những chốt kiểm tra hàng trốn thuế từ Wólka Centre được giăng ra, nhà nước thu được tiền thuế VAT hơn 8 triệu zloty/tháng. Sau khi đoàn kiểm tra liên ngành rút đi, tiền thuế VAT thu được chỉ còn 3-4 triệu zloty/tháng. Chốt chặn kiểm tra lại được giăng ra, tiền thuế thu được lại tăng lên; chốt chặn kiểm tra rút đi, tiền thuế thu được lại sụt giảm. Cứ như trò “địch, ta” đánh trận giả, bên này phản công thì bên kia rút lui và ngược lại.

Trước đây, hàng do người Việt Nam bán không xuất hóa đơn nên cạnh tranh được giá với hàng siêu thị. Giờ đây, lợi thế về giá mất đi, lại thêm thị phần bán hàng qua mạng ngày càng tăng khiến lượng khách đến Wólka Centre mua hàng ngày càng giảm.

Việc siết chặt kiểm tra hóa đơn VAT để chống thất thu thuế khiến số đông người Việt Nam trong đó có Hoa điêu đứng. Phải làm sao để thích ứng được với xu thế không thể đảo ngược này? Mấy tháng nay cận tết, Hoa bán hàng chỉ đủ tiền trả thuê quầy. Chồng Hoa chán nản bàn lùi. Đêm nào chàng cũng ca bài “về quê” để bảo toàn tài sản tích cóp được từ mồ hôi, nước mắt suốt 25 năm qua. Nhưng còn những đứa con của Hoa đang học dở dang trường Ba Lan. Tiếng Việt với giọng ngọng líu ngọng lô, lại còn không biết đọc biết viết, chúng hòa nhập thế nào được với bọn trẻ Việt Nam chỉ còn 2-3 năm nữa là thi vào đại học. Hoa hoang mang quá!

Tết xa xứ năm nay có gì lạ?

Hàng chục năm nay, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan vẫn tổ chức buổi tiệc mừng năm mới cho cộng đồng, có đủ các món ăn tết truyền thống dân tộc, có liên hoan văn nghệ cây nhà lá vườn nhưng tập luyện khá chuyên nghiệp, công phu. Vợ chồng Hoa năm nào cũng háo hức tham gia với cương vị vừa tổ chức, vừa thưởng thức.

Tốp ca câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan hát mừng năm mới.


Cách nay hơn tháng, sau khi dự buổi họp do Ban chấp hành Hội người Việt Nam tổ chức, về nhà, chồng Hoa cho biết, tết năm nay ông chủ tịch Hội không muốn tổ chức buổi tiệc mừng năm mới chung cho cả cộng đồng, mà để từng Hội Đồng hương tự tổ chức cho các thành viên của mình. Khi ý định này của ông chủ tịch Hội người Việt loang ra, không chỉ bà con phản ứng mà sứ quán cũng bất ngờ. Phải chăng do lo ngại thu không đủ bù chi, và thực trạng kinh doanh ảm đạm khiến lòng người bất an mà ông chủ tịch Hội người Việt đã đưa ra quyết định đường đột này?

Thay vào đó, năm nay Hiệp hội Hỗ trợ kinh doanh vùng Wólka Kosowska lần đầu tiên đứng ra tổ chức đón mừng năm mới Kỷ Hợi 2019 cho bà con cả người Việt Nam và người Trung Quốc làm ăn tại các Trung tâm Thương mại vùng Wólka Kosowska với sự tham gia của các khách mời đến từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, cùng lãnh đạo thành phố Warszawa, lãnh đạo quận Lesznowola.

Người Việt tại Ba Lan tự phát tổ chức đón tết ngay tại nơi bán hàng, mời khách hàng Ba Lan chung vui.

Tết đến rồi qua nhưng nỗi trăn trở còn ở lại mãi với các doanh nhân buôn bán nhỏ như vợ chồng Hoa. Năm 2019 và những năm tiếp theo, nếu không biết thích ứng với mô hình kinh doanh mới, cuộc đời họ sẽ trôi về đâu. Ở lại Ba Lan tìm cách tồn tại hay trở về Việt Nam làm lại từ đầu?

Vẫn là miền đất hứa?

Trong khi hàng nghìn gia đình như Hoa đang bị nỗi băn khoăn ở hay về, chưa tìm được câu trả lời luôn đè nặng, thì phía con đường ngược lại vẫn có nhiều người từ Việt Nam đang tìm cách sang Ba Lan để biến giấc mơ đổi đời thành hiện thực.

Họ là ai?
Trong tương lai, muốn giữ được tốc độ phát triển kinh tế hàng năm trên 4%, cao nhất trong các nước Cộng đồng châu Âu, Ba Lan phải tìm cách giải quyết bài toán thiếu lao động trầm trọng. Trong đó thợ cơ khí, thợ xây dựng, thợ dệt may… và lao động chân tay thuộc nhiều ngành nghề khác từ Việt Nam đang được các nhà chức trách Ba Lan nhắm tới. Việc cấp visa cư trú và giấy phép lao động của Ba Lan mấy năm nay trở nên dễ dàng hơn với người Việt Nam.

Thời gian tới, đồng hương mới của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan là những người từ nông thôn, miền núi, các vùng sâu, vùng xa nghèo khó của đất nước mình vẫn tiếp tục sang. Lạ là một số người trong giới showbiz, trong giới doanh nhân, và cả quan chức từ Việt Nam cũng chọn Ba Lan để lo trước chốn nương thân cho mình và gia đình sau khi “hạ cánh”.

Ba Lan đang thay đổi từng ngày từng giờ và trở thành nơi đáng sống, nhưng không còn “đục nước, béo cò” dễ xúc tiền như hàng chục năm trước. Tuy nhiên Ba Lan hiện vẫn là “Miền đất hứa” đổi đời cho những ai chưa từng đặt chân tới.

Quốc Minh