Xu hướng thị trường

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Các nước quyết tâm một, ta quyết tâm mười

Quyết tâm xuất khẩu vắc-xin dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Cái gì các nước chưa làm được, chúng ta quyết làm bằng được".

Sáng 27/7, Hội nghị “Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới” đã diễn ra nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể, bền vững, có tính khả thi cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Chính phủ phê duyệt.

Tín hiệu vui từ giá thịt lợn

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến chia sẻ, sau thời gian dài giá bán thấp hơn giá thành, giá thịt lợn tăng lên là tín hiệu vui với nông dân và ngành nông nghiệp.

Nửa đầu năm nay, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt hơn 3%. Trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh có nhiều nguy cơ bùng phát, thậm chí các chủng virus cúm và dịch bệnh khác xâm nhiễm từ nước ngoài. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến.

Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi vẫn còn nhức nhối. Trong bối cảnh khó khăn đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết bản thân nông dân, các cơ quan liên quan, đã tích cực vào cuộc, tìm giải pháp, xử lý rốt ráo vấn đề.

“Thành quả cụ thể cho nỗ lực của tất cả chúng ta là giá các loại sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn hơi đã tăng trở lại”, Thứ trưởng Tiến cho biết.

Từ đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị ngành chăn nuôi cần chủ động trước những khó khăn trước diễn biến về dịch bệnh, luồng giá vật tư và giá thực phẩm dự kiến tăng trong 6 tháng cuối năm. Sau nhiều năm trải qua giá thấp, ngành chăn nuôi đã có bước chuyển mình tích cực trong bối cảnh khó khăn của lạm phát, lãi suất tăng, vật tư đầu vào, logistics, xung đột địa chính trị.

Theo ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tại Việt Nam, ngành chăn nuôi đã đóng góp gần 27% GDP ngành nông nghiệp, sản phẩm của ngành chăn nuôi không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước, khách du lịch quốc tế mà còn góp phần vào mục tiêu xuất khẩu. Với riêng chăn nuôi lợn, đây là phương thức chăn nuôi lâu đời, có ý nghĩa to lớn đối với nhóm các nông hộ nhỏ lẻ.

“Đây được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi”, ông Thắng chia sẻ.

“Cái gì các nước chưa làm được, chúng ta quyết làm bằng được"

Chia sẻ tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phan Quang Minh nhấn mạnh 3 công tác thú y chính để phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bền vững. Đó là: Phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật.

Với chăn nuôi lợn, nguy hiểm nhất hiện nay vẫn là Dịch tả lợn châu Phi. Lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2019, dịch bệnh gây thiệt hại năm đó lên tới hơn 13.200 tỷ đồng. Đến nay, dịch bệnh vẫn khiến nhiều nông hộ gặp khó khăn trong việc tái đàn.

Tuy nhiên, vào tháng 6/2022, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công vắc-xin phòng Dịch tả lợn châu Phi, do công ty Navetco phát triển. Đến tháng 7/2023, thêm một loại vắc-xin nữa, của công ty AVAC, được đưa vào sử dụng. Đây được xem là lá chắn thép để ngăn chặn dịch bệnh từng khiến Việt Nam tiêu hủy hơn 6 triệu con lợn.

Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phan Quang Minh.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, 130 cơ sở an toàn dịch bệnh cho lợn được xây dựng. Đồng thời, Cục Thú y tham mưu cho Bộ NN-PTNT triển khai xây dựng vùng an toàn đối với bệnh lở mồm long móng để phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Về kiểm soát giết mổ, Phó Cục trưởng Thú y cho biết, cả nước hiện có gần 250 cơ sở giết mổ lợn tập trung nhưng có tới hơn 17.600 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Hệ quả, số lợn được kiểm soát giết mổ tại cơ sở nhỏ lẻ lên tới 8,6 triệu con năm 2022, tương đương 75% số lợn giết mổ tại các cơ sở tập trung (khoảng 11,5 triệu con).

Về kiểm dịch, ông Minh cho biết, đơn vị đã tham mưu và kiểm soát chặt chẽ cả khâu vận chuyển trong nước, lợn giống nhập khẩu, lẫn hoạt động xuất khẩu lợn sang một số thị trường như Hồng Kông. 

Từ giờ đến cuối năm 2023, Cục Thú y cam kết theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên lợn và tăng cường năng lực xét nghiệm bệnh trên lợn.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ thêm về giải pháp phát triển chăn nuôi lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh cần tổ chức, xây dựng và nâng cao năng lực ngành thú y.

Toàn cánh sự kiện.

Hiện một số tỉnh, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến hệ thống thú y, khiến một số địa phương bị tan rã hệ thống. Điều này khiến việc chỉ đạo theo ngành dọc, từ Bộ NN&PTNT xuống Cục Chăn nuôi và Chi cục địa phương nhiều thời điểm chưa thông suốt, nhất là khi cần phản ứng nhanh, sử dụng các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh.

Lấy ví dụ về Dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng cho biết, ngay khi nổ ra, Bộ NN&PTNT đã kiểm soát chặt chẽ trên cả 3 khâu: quản lý giết mổ, quản lý kiểm dịch và đặc biệt là quản lý vắc-xin. Vào thời điểm 2019, chưa quốc gia nào trên thế giới sản xuất được vắc-xin này. Nhưng bằng quyết tâm của toàn hệ thống, sự hỗ trợ của quốc tế trong đó có Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên sản xuất thành công vắc-xin thương mại Dịch tả lợn châu Phi.

Việt Nam đang đàm phán, xuất khẩu vắc-xin ra một số thị trường như Philippines và các quốc gia châu Phi. “Cái gì các nước chưa làm được, chúng ta quyết làm bằng được. Họ quyết tâm một, thì chúng ta quyết tâm bằng năm, bằng mười. Bằng mọi giá, chúng ta phải xây dựng, củng cố được năng lực thú y, thông qua vắc-xin, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh… để phát triển đàn lợn bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.