Tiêu điểm

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Hầu hết người lao động đã nhận được hỗ trợ

Một số địa phương chưa hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch hoặc lên danh sách nhưng chưa giải ngân, Bộ LĐTBXH đã đốc thúc phải khẩn trương chi trả.

Chiều 27/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững". Tại đây, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến vấn đề hỗ trợ tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Lê Văn Thanh cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn cầu. Trong đó có Việt Nam và làn dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề tới người dân, người lao động, doanh nghiệp trên khắp cả nước và đặc biệt ở các vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Theo Thứ trưởng, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến vấn đề an sinh - xã hội.

"Chính phủ ban hành nhiều chính sách quan trọng như Nghị quyết 41 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có cả người nghèo, người có hợp đồng lao động hay không có hợp đồng lao động… Hay như Nghị quyết 68 hỗ trợ 12 nhóm chính sách, trong đó có cả người lao động mất việc làm, người lao động ngừng việc, người lao động thất nghiệp, các doanh nghiệp cũng được giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, giảm lãi vay, hỗ trợ trả lương… Đặc biệt, Nghị quyết 68 đã quan tâm nhiều tới lao động tự do với nguồn trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp", ông nói.

Tính tổng thời gian vừa qua, chính sách đã hỗ trợ hơn 50 triệu lượt người, tổng hỗ trợ lên tới 81.000 tỷ đồng. Qua thời gian vừa rồi đi khảo sát, các địa phương triển khai việc hỗ trợ rất quyết liệt. Các địa phương cũng có những chính sách riêng mà nghị quyết Trung ương chưa phủ đến. 

"Ủy ban Xã hội vừa rồi đã có một chuyến đi kiểm tra ở các địa phương, Thứ trưởng cho biết hầu hết các đối tượng đều được hỗ trợ. Các địa phương đều hoàn thành việc giúp cho người lao động có an sinh tốt hơn, kể cả người sử dụng lao động cũng đã có hỗ trợ", ông nói.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá những hỗ trợ về an sinh xã hội đã góp phần đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. 

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá những hỗ trợ về an sinh xã hội đã góp phần đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. 

Tiễn sĩ Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam cho biết trải qua 2 năm chống dịch, một số lượng lớn doanh nghiệp đã phá sản, cắt giảm quy mô. Điều đó dẫn tới hệ quả tất yếu: người lao động mất việc, giảm thu nhập. Việc Nhà nước cho vay vốn để người sử dụng lao động trả lương, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, giúp người lao động có công ăn việc làm… "Nhưng thực tế các chính sách này đã phát huy hiệu quả thế nào?", ông Nguyễn Sỹ Dũng đặt câu hỏi.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết Nghị quyết 68 có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, cho người sử dụng lao động vay để trả lương cho người lao động… Qua triển khai và rút kinh nghiệm của nghị quyết trước đó, Nghị quyết 68 đã giảm thủ tục hành chính nhiều, đến nay đã hỗ trợ được cho 3.600 doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay và hỗ trợ 1,2 triệu người lao động. 

Qua đánh giá, các doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ giúp doanh nghiệp có kinh phí trả lương người lao động, giúp đỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng cũng giúp người sử dụng lao động giữ chân người lao động.

"Tại sao thời gian vừa rồi số người lao động bị ngừng việc, thất nghiệp đã giảm, đó là đi nhờ các chính sách này. Đến nay chúng tôi thấy có thể sau đại dịch đã diễn ra tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng lao động nhưng nhưng nhờ chính sách cũng đã giữ chân người lao động. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã cơ bản phục hồi sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế - xã hội theo chủ chương của Đảng", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng tiếp tục đặt câu hỏi, các chính sách an sinh xã hội rất tốt nhưng nhiều người bảo rằng người lao động "lên ti vi mà nhận". Thực chất, nhận hỗ trợ  khó khăn và nhiều người cho biết không dễ dàng để được hưởng. "Vậy bức tranh thật như thế nào? Liệu truyền thông có đang không phản ánh đúng bản chất?", ông đưa ra câu hỏi.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, qua đi khảo sát, cơ bản hầu hết đối tượng nhận được hỗ trợ. Tuy vậy, chính sách thứ 12 với lao động tự do là giao cho địa phương cân đối tuỳ vào đặc thù ở địa phương. Một số địa phương nguồn kinh phí hạn chế do kinh phí đã đầu tư phòng chống dịch, dự phòng, dự trữ nên có một số địa phương không hỗ trợ lao động tự do hoặc một số địa phương lên danh sách nhưng chưa kịp chi trả. 

"Chuyện này có xảy ra, nhưng chúng tôi đã đề nghị ngân sách đã phê duyệt thì phải khẩn trương chi trả. Các địa phương thiếu kinh phí thì lập dự toán báo cáo Bộ Tài chính, sao cho tất cả các đối tượng đều nhận được. Chỉ một số ít không nhận được và chúng tôi đang yêu cầu rà soát lại", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cho biết sắp tới, theo yêu cầu của Thủ tướng phải chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 68. "Chúng tôi đang yêu cầu các đối tượng nào chưa nhận được thì báo cáo lên để hỗ trợ kịp thời cho người dân", ông Lê Văn Thanh khẳng định.