Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Tp.HCM lùi giờ học theo 93% ý kiến là hợp lý

Hiện, nhiều trường học ở Tp.HCM đã chủ động điều chỉnh giờ vào học để phù hợp với điều kiện thực tế và sự phát triển của trẻ.

Ngày 29/10, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, trước câu hỏi có một số ý kiến cho rằng việc thay đổi giờ vào học và tan học của học sinh hiện nay là chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh và gây khó khăn cho cha mẹ khi đưa đón các con đến trường. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, chúng ta đã thấy việc tưởng chừng là nhỏ khi điều chỉnh giờ học của học sinh nhưng nó có tác động rất lớn.

Chúng ta biết số giờ ngủ của học sinh là rất quan trọng đối với việc học tập và việc này phải nghiên cứu rất kỹ, bởi nó không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh.

Hiện nay, theo nhiều nghiên cứu, không chỉ học sinh ở Việt Nam mà học sinh trên thế giới có xu hướng đi ngủ muộn. Vì vậy, nếu như đi học sớm thì sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập. Tất nhiên điều này còn tùy theo từng địa phương, thời tiết theo mùa. Ví dụ như ở châu Âu, học sinh và sinh viên thường bắt đầu giờ học rất muộn. Và cũng giống như ở Việt Nam, thời tiết mùa đông cũng khác thời tiết mùa hè nên có nơi điều chỉnh giờ học cho phù hợp.

Thứ hai, việc này là còn liên quan đến giờ làm việc của cha mẹ, giờ hành chính ở các địa phương.

Theo quy định về phân cấp quản lý Nhà nước thì việc quyết định giờ học ở các địa phương thời gian qua nhìn chung là tương đối phù hợp.

Vừa rồi cũng có nhiều ý kiến của các phụ huynh, đặc biệt là ở Tp.HCM, phản ánh việc thay đổi giờ học và Sở GD&ĐT TP đã có quyết định điều chỉnh khung thời gian học của học sinh.

Theo chúng tôi, những gì chưa hợp lý về giờ vào học, ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến kết quả kỳ học của học sinh và gây khó khăn cho việc đi lại của cha mẹ thì nhất thiết phải điều chỉnh. Cách làm của Tp.HCM là khảo sát ý kiến, quyết định theo đa số ý kiến 93% người được hỏi để điều chỉnh lại giờ học cho học sinh là hợp lý. Tất nhiên là tùy từng địa phương, tùy tình hình giao thông, như ở Hà Nội hay các vùng nông thôn thì lại khác. Vì vậy, ở các địa phương cần có khảo sát, đánh giá kĩ.

Thứ trưởng Sơn cho rằng "nếu cái gì chưa hợp lý, ảnh hưởng đến sức khỏe, kết quả học tập của học sinh, gây khó khăn cho giờ đi lại, làm việc của cha mẹ thì nhất thiết phải điều chỉnh", đặc biệt mỗi địa phương nên khảo sát, đánh giá kỹ trước khi điều chỉnh giờ học. Trường hợp liên quan đến giao thông như ở Hà Nội thì ưu tiên giờ của học sinh trước, từ đó có thể tính toán điều chỉnh giờ làm việc của công chức, viên chức.

Theo thống kê, đa số trường phổ thông tại Tp.HCM vào học lúc 7h-7h30. Tùy theo quy định từng trường, học sinh cần có mặt trước thời điểm này 5-15 phút. Theo ý kiến của không ít phụ huynh và chuyên gia thì giờ vào học quá sớm khiến nhiều học sinh không kịp thời gian ăn sáng, phải ăn vội vàng khi ngồi trên xe, ngủ gật khi đến lớp...

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM, cho biết, Sở không ấn định chung giờ vào học và ra về của trẻ mầm non, học sinh phổ thông các cấp, mà trao quyền tự chủ cho các trường, căn cứ vào điều kiện từng đơn vị.

Theo lãnh đạo nhiều trường, giờ vào học còn phải tùy thuộc vào từng địa bàn, khu vực. Các trường tập trung ở khu công nghiệp, chế xuất cần có giờ vào học sớm để phụ huynh kịp đi làm; các khu vực văn phòng, công sở có thể sắp xếp giờ vào học trễ hơn. Một số trường giờ học vào sớm còn do vướng chương trình học.

Việc điều chỉnh giờ vào học cũng có khó khăn khi bậc phổ thông đang dạy song song chương trình mới năm 2018 (khối 1, 2, 3, 6, 7, 10) và chương trình năm 2006 (các khối còn lại).

Ngày 27/10, Sở GD&ĐT Tp.HCM quy định giờ học buổi sáng sớm nhất của trẻ mầm non, học sinh tiểu học là 7h30, THCS là 7h15 và THPT là 7h. Khung giờ vào học sớm nhất được đưa ra dựa trên đề án lệch giờ học, từng được Tp.HCM áp dụng trong 10 năm 2006-2017.

Trúc Chi (theo Vnexpress, Lao Động, Giáo Dục Việt Nam)