Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Thi THPT chênh 1 điểm phải đối chất giám khảo

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý khi chấm thi điều đặt lên hàng đầu là phải chính xác, công bằng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kiểm tra chấm thi tốt nghiệp THPT 2022 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ đã kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Quảng Nam và Tp.Đà Nẵng ngày 12/7.

Hiện nay, cán bộ chấm thi ngành GD&ĐT Tp.Đà Nẵng đang tiến hành chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Công tác chấm bài thi đang thực hiện theo đúng tiến độ, đảm bảo an toàn trong việc chấm thi để kịp cho việc xét công nhận thi tốt nghiệp THPT hoàn thành chậm nhất ngày 26/7/2022.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Tp.Đà Nẵng có hơn 12.600 thí sinh đăng ký dự thi. Khu vực làm phách được bố trí tại Ký túc xá trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cách biệt, bảo đảm an toàn, bảo mật. Đại diện Sở GD&ĐT Tp.Đà Nẵng cho biết, có 149 người chấm thi ở Ban thi tự luận. Đối với Ban chấm thi trắc nghiệm có 26 thành viên chia làm 3 tổ, gồm: Tổ kỹ thuật viên xử lý bài thi, Tổ giám sát và Tổ thư ký. 28 cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ, phục vụ, công an. Công tác thanh tra chấm thi của Sở GD&ĐT tạo thành phố được thực hiện nghiêm túc.

Đà Nẵng cũng bố trí 7 cán bộ chấm kiểm tra bài thi theo quy định ít nhất là 5% nhằm phát hiện yếu tố bất thường. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, địa phương thường chấm kiểm tra hơn 10% số lượng bài thi.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra khu vực chuẩn bị chấm thi tự luận tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý, công tác chấm thi phải ông bằng khách quan, trung thực. Cán bộ chấm thi phải chấm đúng, chính xác, công bằng. Bên cạnh đó, phải tăng cường chấm kiểm tra, tổ kiểm tra phải nâng cao hơn về trách nhiệm chấm kiểm tra thi.

“Tôi yêu cầu tổ kiểm tra năm nay phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Mục đích của chấm kiểm tra là giúp cho Trưởng Ban đều hành chung của cả Ban chấm. Cho nên, phải phát hiện vấn đề, xem lỗi sai thường gặp của giáo viên khi chấm thi là gì. Hai là, lý do vì sao độ chênh lệch điểm không thống nhất trong toàn hội đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ.

Các thầy cô chấm thi phải “nằm lòng” nguyên tắc

Theo ông Độ, chất lượng, công bằng, khách quan của kỳ thi thể hiện ở tất cả các khâu, ngoài khâu coi thi thì khâu chấm thi cũng đặc biệt quan trọng. Do vậy, các thầy cô chấm thi phải “nằm lòng” nguyên tắc: chấm đúng, chấm chính xác, công bằng, khách quan trung thực. Nắm chắc quy chế, đặc biệt là hướng dẫn chấm.

“Được cử đi chấm thi là tự hào nhưng cũng là áp lực, mong các thầy cô cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để mang về niềm vui. Các thầy cô đến đây phải gạt bỏ mọi áp lực bên ngoài, áp lực cuộc sống, áp lực bởi những sự “nhờ vả” của người thân quen, chỉ còn áp lực duy nhất là phải chấm thi thật nghiêm túc, công bằng”, ông Độ chia sẻ với các giám khảo chấm thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh nguyên tắc bài thi tự là trước khi chấm chung ít nhất 10 bài, phải chấm 2 vòng độc lập nghiêm túc sau đó tiến hành thống nhất điểm. Chất lượng chấm còn thể hiện ở chỗ không có hoặc có không đáng kể sự chênh lệch giữa 2 giám khảo ở 2 vòng.

“Ngoài rút bài bất ngờ thì nên lựa chọn những bài có kết quả điểm cao hoặc quá thấp để chấm kiểm tra để đảm bảo kết quả ấy dù rất cao hay rất thấp cũng đều phản ánh đúng chất lượng bài làm của thí sinh, không có hiện tượng chấm chặt, chấm lỏng”, ông Độ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Độ, hội đồng chấm sẽ chứng minh hội đồng coi thi có tốt không. Ban làm phách sẽ biết khâu coi có làm tốt không ở chỗ có phải sửa nhiều lỗi sai sót về tô mã đề, tô số báo danh của thí sinh hay không…

Ông Độ đặc biệt lưu ý, trong quá trình chấm thi, cái gì có lợi nhất cho thí sinh các thầy cô cố gắng làm, tránh làm mất điểm của thí sinh. “Khi chấm thi hãy đặt địa vị mình là thí sinh sẽ buồn ra sao nếu bài thi của mình không được đánh giá công bằng, chính xác”, ông Độ cho biết.

Tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong mọi công đoạn chấm thi.

Điểm thi THPT chênh 1 điểm phải đối chất giám khảo

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng bày tỏ mong muốn khâu chấm thi làm sao để sau khi công bố kết quả thi, càng ít thí sinh xin phúc khảo bài thi các tốt vì số lượng xin phúc khảo cũng phản ánh chất lượng của khâu chấm thi.

“Nếu sau chấm phúc khảo phải điều chỉnh trên 1 điểm là phải mời thầy cô chấm thi lên đối chất”, ông Độ lưu ý và khẳng định tất cả các quy trình chấm thi đều có cơ chế giám sát lẫn nhau nên đòi hỏi phải làm nghiêm túc mọi khâu trong quá trình chấm thi.

Sau khi kiểm tra các khâu từ giao bài, quét ảnh bài thi trắc nghiệm, các phòng chấm thi tự luận, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá, địa phương chuẩn bị kỹ càng. Có xe cứu hoả được điều động đến điểm chấm để phòng cháy chữa cháy kịp thời.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu, địa phương đặc biệt lưu ý các hội đồng ban làm phách, ban chấm thi, quy trình chấm tự luận, chấm trắc nghiệm phải đảm bảo “rõ vai, rõ người, rõ việc” vì chỉ cần một bài thi có vấn đề cũng sẽ ảnh hưởng tới cả Hội đồng. Bởi tính chất kỳ thi rất quan trọng, có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các thí sinh để lấy kết quả xét tuyển vào đại học.

Bên cạnh đó, chất lượng chấm thi của các Hội đồng thể hiện ở chỗ không có hoặc có không đáng kể sự chênh lệch giữa 2 giám khảo ở 2 vòng chấm. Giám khảo phải chấm đều tay, không có hoặc ít có sự chênh lệch điểm mới đảm bảo. Nếu sau chấm phúc khảo phải điều chỉnh trên 1 điểm là phải mời thầy cô chấm thi lên đối chất. Trong quá trình chấm thi phải đặc biệt lưu ý tới các khâu giám sát, nếu thấy chênh điểm giữa 2 tay chấm phải thống nhất, trả điểm cho thí sinh. “Hội đồng chấm thi rất quan trọng, làm sao sau khi công bố điểm, càng ít thí sinh xin phúc khảo bài thi càng tốt vì số lượng xin phúc khảo cũng phản ánh chất lượng của khâu chấm thi”, Thứ trưởng nói.

Trúc Chi (t/h theo VOV, Tiền Phong, Thanh Niên)