Tài chính - Ngân hàng

Thu tiền lẻ trên máy bay, Vietjet Air lãi gần nghìn tỷ nhờ mỳ tôm và gấu bông

Trong vòng 5 năm qua, doanh thu phụ trợ của Vietjet Air đã tăng tới 10 lần, từ con số 836 tỷ đồng năm 2014 đã lên con số 8.410 tỷ đồng trong năm 2018.

Công ty CP hàng không Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2019. 

Trong quý III, doanh thu vận tải hàng không của Vietjet Air đạt 10.415 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 13.577 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu hợp nhất đạt 38.134 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.206 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực vận tải hàng không đạt doanh thu 30.597 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.864 tỷ đồng.

Quý III/2019, lợi nhuận trước thuế của Vietjet Air đạt 1.310 tỷ đồng, tăng 17%.

Riêng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, doanh thu vận chuyển hành khách của hãng hàng không này tiếp tục ghi nhận 9.992 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng doanh thu phụ trợ đóng góp vị trí quan trọng trong tăng trưởng ghi nhận 2.835 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng doanh thu vận chuyển hành khách.

Theo báo cáo CarTrawler YearBook năm 2019, Vietjet đang giữ vị trí 12 trên thế giới xét về tỷ lệ doanh thu phụ trợ trong tổng nguồn thu.

Trong vòng 5 năm qua, doanh thu phụ trợ của Vietjet Air đã tăng tới 10 lần, từ con số 836 tỷ đồng năm 2014 đã lên con số 8.410 tỷ đồng trong năm 2018.

Trong hoạt động phụ trợ hàng không nói chung, hàng năm Vietjet đều thu về hàng trăm tỷ từ việc bán các hàng hóa trên máy bay bao gồm mỳ tôm, gấu bông hay quà lưu niệm… Như năm 2014, thời điểm hãng mới bắt đầu khai thác bay thương mại, trong tổng doanh thu 8.100 tỷ đồng thì đã có gần 300 tỷ đồng doanh thu là đến từ bán mỳ tôm và gấu bông, quà lưu niệm trên máy bay.

Trước đó, lãnh đạo Vietjet Air đã khẳng định sẽ duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019 thông qua chiến lược "hãng hàng không tiêu dùng", đẩy mạnh doanh thu phụ trợ, doanh thu đến từ suất ăn, quà lưu niệm trên máy bay và các dịch vụ phi hàng không khác.

Cũng theo báo cáo này, chỉ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu đạt 0,6 lần, trong đó vốn chủ sở hữu là 14.847 tỷ đồng. Chỉ số thanh khoản hiện hành của doanh nghiệp ở mức 1,3 lần.

Hãng bay cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh việc bay quốc tế, mở thêm các đường bay nối các thành phố lớn của Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng tới những điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực.

Trước đó vào đầu tháng 10/2019, theo xếp hạng thời gian thực của Forbes, tài sản định giá của "bà chủ Vietjet Air", tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, đã đạt mức 2,5 tỷ USD, giúp bà vào nhóm 1.000 người giàu nhất thế giới.

Lê Lan