Đời sống

Thứ thu từ chất thải động vật không ngờ là “cực phẩm” giá 30 triệu/kg

Chất lượng của loại đặc sản này được nhiều người đánh giá cao, số lượng bán ra hàng năm không nhiều.

Cà phê chồn hay còn gọi là Kopi Luwak là một loại cà phê rất đặc biệt, được xếp vào hàng “cực phẩm” trong giới cà phê và cũng là loại đồ uống hiếm có và đắt đỏ nhất trên thế giới.

Nó được coi là loại cà phê sang chảnh chỉ dành cho giới thượng lưu vì cách tạo ra hạt cà phê vô cùng độc đáo và khác biệt.

Cà phê chồn là những hạt cà phê lấy trong phân do các con chồn Indonesia thải ra.

Ít ai biết, loại cà phê này có lịch sử lâu đời từ hàng trăm năm trước khi vào khoảng đầu thế kỷ 18, những người Hà Lan đã đem cây cà phê du nhập vào các nước thuộc địa của họ trong đó có đảo Java và Sumatra của Indonesia.

“Kopi” trong tiếng Indonesia có nghĩa là cà phê, còn “Luwak” là tên một vùng thuộc hòn đảo Java của Indonesia đồng thời là tên một loài cầy (chồn) cư trú tại đây. Kopi Luwak được dùng để chỉ loại hạt do loài cầy này ăn quả cà phê rồi thải ra.

Thức ăn ưa thích của chồn Luwak là quả cà phê nên chúng thường trèo lên các cây cà phê và chọn ăn những trái mọng chín đỏ nhất. Tuy nhiên dạ dày của chồn Luwak chỉ tiêu hóa được phần thịt bên ngoài của quả cà phê nên sau đó đã thải những hạt cà phê ra cùng với phân của chúng.

Trong quá trình nhai gặm, hạt cà phê đi qua dạ dày và ruột của con chồn. Từ đây các enzym trong hệ tiêu hóa của chồn hương đã thấm vào lớp vỏ trấu đã bị bào mòn, thấm nhẹ vào nhân cà phê đã bẻ gãy các phân tử hương và vị trong cấu tạo hữu cơ của hạt cà phê. Nhờ enzym trong dạ dày chồn, protein đã được lọc ra khỏi hạt cà phê.

Hạt cà phê trở nên cứng hơn, giòn hơn độ đắng của cà phê đã giảm thiểu đi rất nhiều, tạo ra một hương vị mạnh hơn. Cà phê chồn sẽ có vị bùi bùi, chua nhẹ, phảng phất mùi khói và hương chocolate.

Sau khi trải qua quá trình “sơ chế tự nhiên”: tách thịt, lên men bên trong hệ tiêu hóa của loài động vật này, hạt cà phê nhân sẽ được người nông dân nhặt lại từ phân chồn rồi rửa sạch, rang chín để tạo ra cà phê chồn thành phẩm.

Cho dù bạn không phải là một người sành cà phê, nhưng chắc chắn bạn cũng sẽ cảm nhận được sự khác biệt trong hương vị của loại cà phê này. Vị cà phê chồn dịu nhẹ, không đắng gắt nhưng đủ mạnh để làm bạn phải ngạc nhiên.

Trong và sau khi thưởng thức cà phê chồn bạn sẽ cảm nhận ở cổ họng luôn có chút dư vị ngọt ngào, lưu luyến. Uống cà phê chồn không đường, không đá với một ly nước lọc là cách thưởng thức chuẩn nhất.

Cách thưởng thức này còn mang đến cho bạn một trải nghiệm mùi hương không lẫn vào đâu được. Bởi hương thơm của cà phê chồn chia ra nhiều tầng hương. Tầng hương đầu tiên là mùi hoa quả chín. Tầng thứ hai là sự hòa quyện giữa mùi cà phê hòa lẫn cùng mùi chocolate và mạch nha.

Các dây thần kinh cảm thụ mùi hương nơi cánh mùi bạn sẽ bị đánh thức bởi hương thơm thanh tao, ngọt ngào và lan tỏa. Hương vị này sẽ vẫn quyến luyến không rời dù cho bạn đã thưởng thức xong tách cà phê. Chính sự lưu luyến ấy khiến những ai một lần thưởng thức cà phê chồn sẽ không thể nào quên được.

Vì cách chế biến kỳ công và hương vị độc đáo, cà phê Kopi Luwak có mức giá vô cùng đắt đỏ, dao động từ 100 đến 600 USD (từ 2,4 triệu – 14,6 triệu đồng/0,5kg). Chỉ một cốc cà phê chồn cũng đã có giá lên tới 50 USD. Nhiều người còn sẵn sàng mua cà phê Kopi Luwak với mức giá 1.300USD (hơn 30 triệu đồng)/kg, thậm chí là 3.000 USD/kg (khoảng 73 triệu VNĐ/kg theo tỉ giá hiện tại).

Tuy nhiên, muốn được uống loại cà phê này không phải dễ dàng. Trong số hàng chục triệu tấn cà phê được sản xuất ra hàng năm trên thế giới, chỉ có khoảng 700kg cà phê chồn tự nhiên và khi chế biến thành phẩm thì chỉ còn lại khoảng 200kg bởi cà phê chồn đúng nghĩa không phải đến từ những chú chồn nuôi mà là chồn hoang.

Hiện nay cà phê chồn trong tự nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu của người thưởng thức nên đã xuất hiện nhiều thương hiệu chuyên sản xuất cà phê chồn nuôi để cung ứng cho thị trường. Giá thành của cà phê chồn dạng này không quá đắt đỏ nên nếu muốn bạn hoàn toàn có thể thưởng thức để cảm nhận hương vị của loại thức uống đặc biệt này.

Minh Hoa (t/h)