Giáo dục

Thử sức thi trường chuyên, thí sinh kêu đề Văn dễ, Toán "vắt óc", Anh "vừa sức với giáo viên"

Cuộc đua vào lớp 10 trường THPT chuyên tại Hà Nội tiếp tục diễn ra trong hai ngày thi (ngày 12-13/7), cuộc đọ sức của hàng nghìn thí sinh tiếp tục trở nên nóng bỏng.

Ngày 12/7, hàng nghìn thí sinh tại Hà Nội tiếp tục bước vào “sàn đấu” cạnh tranh “chiếc vé” vào 2 ngôi trường: THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn.

Tại trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn, trong ngày thi đầu tiên, thí sinh phải vượt qua 3 bài thi môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh.

Sáng nay, môn thi mở màn là Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút.

Chiều cùng ngày, thí sinh tiếp tục thi 2 môn Toán và tiếng Anh.

Nhiều thí sinh vẫn tiếp tục ôn lại kiến thức trước giờ thi.

Ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh vẫn tiếp tục lo lắng về nguyện vọng.

Em Nguyễn Phương Anh (trường THCS Nguyễn Trực, bên trái) chia sẻ: “Đề Toán rất vừa sức với năng lực, em chỉ bỏ nửa câu cuối; còn đề tiếng Anh thì rất khó, chắc vừa sức với giáo viên. Em không tự tin vào bài của mình, em nghĩ may mắn thì qua “điểm liệt” là trên 4 điểm. Em đăng ký chuyên Văn tại trường này vì em rất thích môn Văn, nếu được học ở ngôi trường thuộc trường đại học hàng đầu về Khoa học Xã hội & Nhân văn này nữa thì thật tốt biết bao! Em rất thích trường này vì có nhiều anh chị học đại học học cùng, có nhiều hoạt động ngoại khoá để em trải nghiệm”.

Học sinh Bùi Anh Dũng (trường THCS Nguyễn Tất Thành) cho biết: “Đề Toán và tiếng Anh khó hơn môn Văn của buổi sáng nay. Phần đọc của tiếng Anh rất khó và mất nhiều thời gian để làm, may mà có phần đánh trọng âm dễ kiếm điểm. Em nghĩ em làm được khoảng 60% đề tiếng Anh; Toán thì khoảng 70%. Đề Toán càng về cuối độ khó càng cao, em bỏ 2 câu cuối nên chắc chắn mất khoảng 2,5 điểm, có lẽ em chỉ được khoảng 7 điểm. Em đăng ký chuyên Sử vì em rất thích môn Sử và yêu lịch sử Việt Nam, bố mẹ em cũng rất ủng hộ điều này. Mỗi khi áp lực quá, em thường chơi điện tử và đọc sách để giải toả”.

Bạn Nguyễn Ngân Hà (trường THCS Tân Định) dí dỏm phân bua: “Đề thi chiều nay khá là khó so với lúc sáng. Toán vừa sức nhưng cũng cần “vắt óc” suy nghĩ, em chỉ bỏ câu cuối, khá chắc chắn về kết quả. Còn tiếng Anh thì rất khó, em đọc không hiểu gì hết. Em chỉ dám tự tin được khoảng 20%, nhiều bạn sau khi thi xong còn bảo chỉ có nước “khoanh bừa”. Bài đọc rất khó và tốn thời gian, thậm chí cho em 2 có khi ngày em cũng không làm xong đề này...”.

Học sinh Quỳnh Trang (trường THCS Giảng Võ) cho biết: “Em thi chuyên Văn và chuyên Địa của trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn. Đề thi Ngữ văn hôm nay không quá dễ cũng không quá khó, em dự đoaná mình được khoảng 8 điểm trở lên. Trong đề thi, em ấn tượng nhất với câu hỏi phân tích đôi mắt của hai nhân vật trong bài “Chiếc lược ngà”. Phần nghị luận xã hội về tình cảm gia đình cũng rất xúc động. Ngoài trường này, em đăng ký một trường công lập khác, để có cơ hội đỗ cao nhất, em phải ôn thi ngày đêm, vì tỉ lệ “chọi” cao nên em cũng khá áp lực”.

Cũng ấn tượng với chung một điểm trong đề Ngữ văn, em Trần Vĩnh Thăng (học sinh trường THCS Giảng Võ) chia sẻ: “Đề thi hôm nay khá dễ đối với em, nhưng cũng có câu phân loại học sinh là phân tích hình ảnh đôi mắt hai nhân vật trong bài “Chiếc lược ngà”. Em cũng ấn tượng với câu nghị luận xã hội về tình cảm gia đình, vì có ý nghĩa đặc biệt với em, qua đó, em thấy rõ được ý nghĩa của tình cảm gia đình hơn, thấy yêu gia đình hơn… Đề này em tự tin được 7 điểm. Thơi gian qua, em tập trung ôn luyện kiến thức rất kỹ, mỗi ngày, em làm một đề Toán , một đề Anh và một đề Văn, cố gắng làm đầy đủ 3 môn để không bị “loãng” kiến thức. Bố mẹ em khá ủng hộ nguyện vọng vào trường này của em, vì mẹ cũng từng là học sinh cũ của trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn”.

 

 

 

 

 

Học sinh Nguyễn Quốc Anh (trường Marie Curie) cho biết: “Em thi chuyên Sử. Đề thi Ngữ văn hôm nay giống với giới hạn của trường đã cho trước cũng không có gì khó lắm. Đề có kết cấu 3 phần, phần 1 có 3 câu, 1 là câu về tiếng Việt, 2 là tác phẩm, câu 3 là câu hỏi nhỏ rất dễ “ăn điểm”. Em thấy khó nhất ở phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Vì giới hạn 200 từ là khá ít để em thể hiện toàn bộ suy nghĩ. Nghị luận xã hội hỏi về tình cảm gia đình. Còn nghị luận văn học vào bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, em làm tốt nhưng chắc cũng sai sót một chút. Ngoài ra, em cũng đặt nguyện vọng ở một trường THPT chuyên khác, nhưng bố mẹ em khá tin tưởng vào môi trường này”.

Rời phòng thi, các thí sinh ngay lập tức trao đổi và so sánh bài làm cùng nhóm bạn thân.

Một phụ huynh quận Cầu Giấy cũng cho biết: “Sáng nay, hai mẹ con dậy từ 6h30. Con tôi thi chuyên Văn vào trường. Tỉ lệ “chọi” vào đây cao nên cũng rất lo lắng, nhưng suy nghĩ tích cực thì cũng thấy đó là cơ hội, không phải cứ tỉ lệ “chọi” đông là khó, nhiều khi càng đông lại càng dễ “chọi”, hoặc có những trường ít thí sinh đăng ký nhưng lại toàn người giỏi, tính ra lại khó “chọi” hơn. Dạo này nắng nóng nên con đi học cũng rất vất vả, tôi chỉ biết động viên con hết khả năng của mình… Ngoài trường này, con cũng đăng ký nguyện vọng ở một số trường THPT chuyên khác, hiện tại, cũng có nhiều sự lựa chọn, nên suy nghĩ cũng thoải mái hơn ngày trước. Một tuần, tôi chỉ cho con học 3 buổi học thêm thôi, 3 môn Toán, Văn, Anh, chứ không như những gia đình khác, cho con học kín cả tuần thì sẽ rất mệt mỏi”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Cầu Giấy) chia sẻ: “Con tôi học trường THCS Ngôi Sao. Sáng nay, hai mẹ con dậy sớm nhưng ăn uống như ngày thường thôi. Tôi cũng chỉ động viên con sao cho thoải mái tinh thần nhất, chứ đến giờ này cũng không nhồi nhét hay tạo áp lực gì cả. Về quan niệm các môn xã hội hiện nay có ít cơ hội nghề nghiệp, tôi không nghĩ như vậy, mình cứ để con theo đuổi đam mê, sở trường của con thôi. Môn xã hội cũng sẽ có những lĩnh vực phù hợp để các con thoả sức. Như con tôi thi chuyên Địa cũng rất tốt, vì con sẽ có tư duy thực tế về xã hội. Làm ngành nghề gì cũng cần có kiến thức khoa học xã hội”.

“Con tôi thi chuyên Văn của trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn và hai trường THPT chuyên khác. Năm nay là năm đầu trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn tuyển sinh nên ban đầu gia đình cũng đắn đo, suy nghĩ. Nhưng tôi cũng tin tưởng vào chất lượng đào tạo, vì trường “mẹ” là trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn có bề dày lịch sử, với đội ngũ giáo viên rất tốt. Trước đây, tôi cũng học chuyên Văn, cũng có nguyện vọng vào trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn nên rất ủng hộ con thi vào môi trường này. Học môn Văn sau này có rất nhiều lựa chọn ngành nghề, ra ngoài xã hội cũng rất có lợi thế, các trường về khoa học tự nhiên thi đầu vào cũng phải thi môn Văn. Tôi không đặt nặng áp lực cho con phải đỗ vào trường nọ trường kia, nên rất thoải mái, không lo lắng. Đỗ được là tốt vì trường chuyên, ai cũng mơ ước cả. Học ôn thi vào trường này, là để lấy kiến thức cho bản thân mình. Sáng nay, con chỉ nhờ mẹ chở đến cổng trường thôi nhưng tôi vẫn sốt ruột nên đưa con vào tận trong để một phần tạo động lực cho con”, một phụ huynh ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ.

Năm nay, trường THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn (thuộc trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - đại học Quốc gia Hà Nội) lần đầu tuyển sinh lớp 10, sau khi thành lập cuối năm 2019. Các thí sinh phải làm 4 bài thi viết gồm: Ngữ văn (120 phút), Toán (60 phút), tiếng Anh (60 phút) và môn chuyên (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý - 150 phút). Trong đó, đề thi được xây dựng theo hình thức tự luận đối với môn Ngữ văn, môn Toán và các môn chuyên, trắc nghiệm đối với môn tiếng Anh.

Thí sinh được đưa vào danh sách xét tuyển phải là những thí sinh dự thi đầy đủ 4 bài thi, không vi phạm quy chế thi. Điểm thi của từng môn phải đạt từ 4,0 trở lên, điểm môn chuyên phải từ 6,0 trở lên.

Xét tuyển theo nguyên tắc lấy tổng điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu lần lượt từ hệ chuyên đến hệ chất lượng cao. Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi theo thang điểm 10, môn chuyên nhân hệ số 2 và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Không cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh.

Quang Trường - Thủy Tiên