Chính sách

Thu phí tự động không dừng: "Quan ngại nhất là Tổng công ty VEC"

Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng, tuy nhiên trường hợp "quan ngại nhất" là Tổng công ty VEC với hơn 200 làn thu phí nhưng tiến độ thực hiện rất chậm.

Ngày 15/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành một ngày để tiến hành chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành.

ĐBQH Nguyễn Văn Giàu lo lắng về tiến độ thực hiện của việc thu phí tự động không dừng.

Tại phiên chất vấn sáng 15/8, ĐBQH Nguyễn Văn Giàu (đoàn An Giang) nêu băn khoăn: “Vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ trưởng GTVT rất quan tâm, tập trung chỉ đạo thu phí theo hình thức thu phí tự động không dừng. Tôi được biết, lãnh đạo cũng quyết tâm đến 31/12 năm nay sẽ hoàn thành phí với tổng số 44 trạm/620 làn. Mới đây, tuy nhiên đến thời điểm này, các đơn vị mới lắp đặt được 29 trạm/161 làn (đạt tỷ lệ 26%)". ĐBQH yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ khả năng thực hiện thu phí không dừng.

Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Hiện nay, nghị quyết 437 của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ về thu phí tự động không dừng. Theo quyết định của Thủ tướng năm 2017, đến 31/12/2019, toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc phải thu phí tự động không dừng. Cách đây một tháng, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Bộ GTVT và các nhà đầu tư phải khẩn trương thực hiện công việc này”.

Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn sáng 15/8.

Nói về tiến độ thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin: “Chúng tôi đã thực hiện 2 năm nay, đến thời điểm này, chúng tôi có hai đơn vị cung cấp dịch vụ không dừng, do đó các nhà đầu tư có nhiều hơn lựa chọn.

Hàng tháng chúng tôi đều họp giao ban và đều có văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư, đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư BOT. Tư vấn đã có sẵn, việc còn lại tùy thuộc sự sẵn sàng của chủ đầu tư trong việc thực hiện, phối hợp. Nếu các nhà đầu tư phối hợp tốt thì chúng ta triển khai nhanh".

"Tuy nhiên, sau khi họp lại thì chỉ có một công ty khiến chúng tôi quan ngại nhất đó là Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) với 100% vốn Nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Tổng công ty này có 226 làn thu phí nhưng tiến độ hiện nay rất chậm. Bộ dùng giải pháp gửi văn bản thẳng đến Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để báo cáo tình hình. Nếu không cải thiện tiến độ thì trách nhiệm hoàn toàn của nhà đầu tư", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Đến 31/12/2019, sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm nếu không thu phí tự động không dừng. Hiện nay bộ GTVT kiểm tra tiến độ hàng tháng để nhà đầu tư không bất ngờ, nếu các nhà đầu tư cố tình chây ì thì phải chấp nhận.

Trước đó, ngày 14/8, tại cuộc họp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và các đơn vị liên quan về triển khai thu phí không dừng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã cảnh báo nguy cơ không đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời khẳng định, Bộ GTVT kiên quyết xử lý không cho thu phí nếu không hoàn thành đúng tiến độ.

Thông tin tại cuộc họp cũng cho biết, trong tổng số 44 trạm/620 làn phải lắp đặt trong giai đoạn 1 của dự án đến thời điểm này, các đơn vị mới lắp đặt được 29 trạm/161 làn. Trong đó, Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) lắp đặt được 23 trạm/90 làn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến tháng 7, VETC không huy động thêm được nguồn vốn để triển khai. Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng ý sẽ giải ngân tiếp 200 tỷ đồng để thi công các làn còn lại. Không chỉ thiếu vốn, VETC còn gặp nhiều vướng mắc trong việc thỏa thuận với các nhà đầu tư BOT.

Hiện vẫn còn 13 nhà đầu tư tuy đồng ý phương án tỷ lệ trích doanh thu theo phương án tài chính của hợp đồng cung cấp thu phí không dừng giai đoạn 1 nhưng lại không đồng ý với điều khoản thanh toán giữa các bên; 2 nhà đầu tư đồng ý ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng dịch vụ nhưng không đồng ý tỷ lệ trích doanh thu; 18 nhà đầu tư không ký hợp đồng vì không đồng ý tỷ lệ trích; 11 nhà đầu tư không có ý kiến.

Với 5 tuyến cao tốc mà Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) quản lý, hiện VEC mới có vốn đầu tư 15 làn trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, còn 227 làn chưa có phương án vốn đầu tư. Với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hiện đơn vị quản lý là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) mới hoàn thành thủ tục mời thầu lắp hệ thống không dừng cho 32/62 làn, 30 làn còn lại chưa lắp do lưu lượng thấp. Các đơn vị này cũng gặp khó khăn về vốn để triển khai, đồng thời việc phê duyệt các thủ tục đều bị chậm làm ảnh hưởng tiến độ.