Giáo dục

Thu phí học online mùa dịch Covid-19: Cân đối, không vượt tổng học phí cả năm

Ngày 17/3, sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi Trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thành phố, hướng dẫn về việc tăng cường dạy học qua internet, qua truyền hình trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung hướng dẫn tại công văn số 769/SGDĐT-GDPT ngày 13/3/2020 của sở GD&ĐT về việc chỉ đạo, quản lý việc dạy và học của giáo viên, học sinh trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, nhà trường tiến hành rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn tại công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 của bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018 để tổ chúc dạy học qua internet, trên truyền hình một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tham khảo, sử dụng nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.

Đồng thời, từng nhà trường chủ động lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của trường mình. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học qua internet có chất lượng; khuyến khích các trường học, thầy cô giáo, học sinh có nhu cầu tự nguyện sử dụng hệ thống học trực tuyến của các tổ chức, cá nhân có bản quyền cung cấp.

Nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên, giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiẹn các buổi học qua internet, trên truyền hình; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh thông qua internet, trên truyền hình; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.

Theo hướng dẫn mới nhất của sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi nhà trường cần thỏa thuận với phụ huynh học sinh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Khi học sinh đi học trở lại, các nhà trường phải tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung, kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.

Đặc biệt, đối với các trường ngoài công lập, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng trường, nhà trường có thể tiến hành dạy học online cho học sinh. Việc dạy học online phải được nhà trường xây dựng kế hoạch, thẩm định nội dung các bài giảng theo đúng quy định. Quá trình tổ chức dạy học online của nhà trường phải đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, sư phạm, chất lượng.

Sau khi học sinh trở lại trường, cần tiếp tục rà soát, dạy bổ sung kiến thức cho học sinh, đảm bảo học sinh được học đầy đủ chương trình, nội dung, kiến thức theo quy định của bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, mỗi nhà trường cần thỏa thuận với phụ huynh học sinh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, tiền hỗ trợ học online, số tiền học phí đã thu và tiền học phí của các tháng học còn lại (sau khi học sinh trở lại trường) không vượt quá tổng số tiền học phí cả năm của học sinh đã được nhà trường thông báo từ đầu năm học.

Trao đổi về việc tăng cường dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, chiều ngày 17/3, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, bộ GD&ĐT cũng khẳng định: “Việc dạy và học trực tuyến, cũng như dạy học qua truyền hình, không phải đến thời điểm hiện tại mới được đặt ra. Ngay trong quá trình học bình thường, cũng đã có rất nhiều nhà trường, nhiều thầy cô đã sử dụng hình thức này để hỗ trợ cho học sinh học tập, sau khi học tại trường, khi học sinh về nhà có thể tiếp tục truy cập các nguồn tài liệu để thực hiện hoạt động học...”.

“Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, chúng ta đã phải cho học sinh nghỉ học một thời gian tương đối dài. Ngay từ những ngày đầu, bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn gửi các địa phương, giao cho các thầy cô kết nối với học sinh để duy trì việc học và chủ yếu là ôn tập. Khi học sinh quay trở lại trường, các thầy cô ở các nhà trường phải tổ chức ôn tập kiểm tra để đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Do thời gian nghỉ dài, bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, các nhà trường tăng cường dạy học qua internet, qua truyền hình. Bộ cũng đã hướng dẫn rõ, việc dạy qua internet, qua truyền hình, các thầy cô phải xây dựng kế hoạch dạy học, xây dựng bài học, có biện pháp hỗ trợ học sinh học tập, tương tác với học sinh, để kiểm soát quá trình học của học sinh”, ông phân tích.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, bộ GD&ĐT.

“Trước đó, Bộ cũng đã có những hướng dẫn rõ ràng, có thể đánh giá kết quả học tập thông qua các sản phẩm học tập như báo cáo, bài thuyết trình, bài thực hành thí nghiệm... Những kết quả đánh giá đó có thể được áp dụng thay cho bài kiểm tra thông thường.

Khi đã kiểm soát tốt dựa trên các yêu cầu về tài liệu, bài học, yêu cầu về thầy cô, về học trò, về hạ tầng đều đảm bảo..., thì kết quả đánh giá của quá trình học đó của học sinh phải được công nhận”, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học nhấn mạnh.