Sự kiện

Thu phí hầm Cù Mông từ tháng 4, người dân có thể đi đường đèo để không mất tiền

Từ ngày 1/4, khi hầm Cù Mông thu phí, người dân có thể chọn đi đường đèo để không mất tiền. Đây là khẳng định của chủ đầu tư.

Chiều 28/3, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Vũ Minh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả xác nhận việc thu phí dịch vụ sử dụng hầm Cù Mông sẽ tiến hành từ ngày 1/4.

Đại diện chủ đầu tư trạm thu phí tại hầm Cù Mông cho biết, sau đề xuất của công ty, bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đồng ý tổ chức thu phí sử dụng hầm đường bộ Cù Mông tại trạm thu phí Cù Mông bằng văn bản số 2772/BGTVT-TC vào ngày 27/3.

Trạm thu phí hầm Cù Mông sẽ hoạt động từ ngày 1/4.

Đây là nút giao thông nằm giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên. Vị trí chính xác của trạm thu phí Cù Mông tại Km0+750, thuộc địa phận phường Bùi Thị Xuân, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư trạm thu phí Cù Mông cũng khẳng định, khi trạm thu phí đi vào hoạt động, người dân có quyền lựa chọn trả phí để lưu thông qua hầm hoặc lựa chọn cung đường đèo để không phải trả phí.

Mức phí theo lượt được nhà đầu tư niêm yết là 60.000 đồng cho xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng. Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi và xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn sẽ trả phí 70.000 đồng/lượt.

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn có mức phí là 120.000 đồng/lượt. Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng Container 20 feet có mức phí là 140.000 đồng/lượt. Cuối cùng, xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng Container 40 feet có mức phí là 220.000 đồng/lượt.

Hầm Cù Mông được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả và được bộ GTVT quyết định đầu tư với tổng chiều dài 6,62km, vận tốc thiết kế 80km/h. Với tổng mức đầu tư 3.921 tỷ đồng, công trình được thực hiện từ nguồn vốn tiết giảm của dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, khởi công từ ngày 26/9/2015 và hoàn thành tháng 1/2019.

Đây là hạng mục hoàn toàn do người Việt Nam trực tiếp thiết kế và thi công, với việc áp dụng phương pháp đào hầm NATM của Áo nên đã rút ngắn tiến độ thi công trên 3 tháng.

Nếu không đi qua hầm đường bộ, người dân có thể đi đường đèo để không mất phí.

Sau gần 3 tháng đưa vào khai thác, hầm Cù Mông đã phục vụ miễn phí cho hơn 300.000 lượt phương tiện lưu thông thuận lợi và an toàn, giúp giảm thiểu thời gian, giảm chi phí đi lại.

Công trình được đánh giá là có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy giao thương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho hai tỉnh Bình Định và Phú Yên nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.

Hầm Cù Mông là 1 trong 4 công trình giao thông trọng điểm quốc gia (hầm đường bộ Cù Mông, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cầu Vàm Cống) hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2019.