Tài chính - Ngân hàng

Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực giữa mùa COVID-19

Theo bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước 6 tháng qua đạt kết quả tích cực trong bối cảnh chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19.

Thu ngân sách đạt hơn 58% dự toán

Ngày 16/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Theo báo cáo của bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19.

Thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỉ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%; thu từ dầu thô đạt 80,7%, giảm 12,2%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 69,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, trong bối cảnh hoạt động sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn khó khăn, kết quả thu NSNN 6 tháng nêu trên là tích cực. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ, như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 52,8% dự toán, tăng 17,8%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 57,7% dự toán, tăng 19,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 59,3% dự toán, tăng 39,6% so với cùng kỳ.

Cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%), trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 6 tháng chi NSNN ước đạt 694,4 nghìn tỉ đồng, bằng 41,2% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán.

Bộ Tài chính đã điều hành chi NSNN đảm bảo đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 6 tháng đầu năm có thặng dư; trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỉ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỉ đồng.

Tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo báo cáo của bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19; đảm bảo nguồn kinh phí cho các công tác phòng chống dịch COVID-19

Trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch COVID-19, bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp chính sách tài khóa tiếp tục thực hiện trong năm 2021 để phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ Tài chính (Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam)

Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021; ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan triển khai kịp thời các chính sách về thuế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu

Để đạt các nhiệm vụ tài chính - ngân sách đề ra trong năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Tài chính là hết sức nặng nề.

Bộ Tài chính đã đặt ra 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Trong đó, tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu kép - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Theo đó, sẽ điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, thận trọng; kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN.

Bên cạnh đó, bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - NSNN theo kế hoạch; thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2021; quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định; điều hành NSNN chặt chẽ; tăng cường quản lý giá; phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính.

Han (t/h từ Lao Động, Thời báo Tài chính Việt Nam)