Giáo dục

Thủ khoa Đắk Lắk giành điểm 10 Lịch sử, một lòng theo đuổi ước mơ báo chí

Giành điểm 10 tròn trĩnh môn Lịch sử, 9,25 môn Địa lý và 7,25 môn Ngữ văn, cô nữ sinh nhỏ nhắn Nguyễn Thị Kim Hồng, học sinh lớp 12A9, trường THPT Cư M’gar đã trở thành thủ khoa khối C tỉnh Đắk Lắk với tổng điểm 26,5.

Điểm 10 tuyệt đối môn Lịch sử

Những ngày qua, ngôi nhà nhỏ của anh Nguyễn Đăng Nhung tại thôn Đắk Hà Tây, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk bỗng trở nên rộn rã hơn thường lệ, không chỉ bởi tin cô con gái đạt danh hiệu thủ khoa khối C của tỉnh nhà mà điều bất ngờ lớn nhất là điểm 10 tuyệt đối của môn Lịch sử.

Thế mạnh cả 3 năm học THPT là môn Địa lý với hai huy chương bạc và vàng Olympic môn Địa lý cấp tỉnh lớp 10 và 11 cùng giải Nhì học sinh giỏi tỉnh lớp 12, nên Kim Hồng cũng không khỏi bất ngờ khi điểm Lịch sử còn cao hơn.

“Môn Địa lý của em cũng có kiến thức nền tảng khá ổn, còn môn Ngữ văn và Lịch sử thì khi quyết định thi khối C đầu năm học lớp 12 em mới tập trung ôn.

Khi bắt đầu ôn môn Lịch sử, em thấy khá khủng hoảng vì lượng kiến thức quá nhiều và khó để nhớ hết. Ngoài ra thì các câu hỏi vận dụng ở mức độ cao của môn Sử đòi hỏi sự tư duy nghiên cứu rất kỹ lưỡng, nếu không rất dễ làm sai. Đặc biệt là phần Lịch sử lớp 11 và phần Lịch sử thế giới mặc dù chỉ chiếm số điểm nhỏ trong bài nhưng nội dung rất nhiều, vì thế cần phải biết chọn lọc kiến thức để đạt hiệu quả tốt nhất”, cô thủ khoa nhớ lại những ngày đầu "chiến đấu" với môn học khó nhằn này.

"Phương pháp ôn thi của em cũng không quá đặc biệt so với các bạn, em thường xuyên lên mạng tải đề thi thử của các trường huyện về luyện và tổng hợp kiến thức cho mình. Đối với mỗi môn học, em lại sử dụng một cuốn sổ tay riêng để ghi chép lại những ý quan trọng”, Hồng cho biết.

“Riêng môn Lịch sử, em luôn cố gắng làm thật nhiều đề thi, vừa củng cố kiến thức vừa cọ xát với những câu hỏi khó ở các đề khác nhau. Đối với những thuật ngữ hay các sự kiện thì em cố gắng tìm hiểu tường tận, hiểu sâu chứ không học vẹt để nhớ kiến thức được lâu hơn. Mặc dù là môn xã hội, nhưng em chưa từng nghĩ sẽ chọn cách học thuộc sáo rỗng. Em cũng thường chép lại những câu hỏi khó, những câu hỏi em hay làm sai để tự ghi nhớ, dùng giấy dán lên tường các mốc sự kiện hay một số tiểu tiết nhỏ để lúc nào cũng có thể nhìn thấy.

Bên cạnh đó, em tham gia các nhóm học Lịch sử trên Facebook để có thể tham khảo và học hỏi các tài liệu được các anh chị trong đó biên soạn”, bí kíp được điểm tuyệt đối môn Lịch sử được cô học trò tiết lộ. 

Vậy mới biết, để được điểm 8-9 môn Lịch sử đã khó, nhưng học sinh có thể chọn cách học thuộc tất cả các kiến thức trong sách giáo khoa THPT. Còn với điểm 10 - đó là cả một hành trình dài với tư duy khoa học, logic và cả phương pháp đặc biệt không phải ai cũng biết.

Kim Hồng xuất sắc giành điểm 10 tuyệt đối môn Lịch sử. (Ảnh NVCC).

Một lòng theo đuổi ước mơ nghề báo

Với điểm số đáng ngưỡng mộ, tân thủ khoa hoàn toàn có thể đổi nguyện vọng, đăng ký vào một ngành "hot" tại các trường top đầu, nhưng nụ cười trên gương mặt cô nàng như rạng rỡ hẳn lên khi khẳng định chắc nịch: "Em yêu nghề báo! Em đã chọn con đường trở thành một phóng viên xông pha ngay từ những ngày còn nhỏ".

Hồng chia sẻ: “Em thích những điều mới lạ và không muốn bị gò bó. Đó cũng là một phần lý do khiến em lựa chọn theo đuổi nghề phóng viên. Nhìn các anh chị phóng viên lặn lội đưa tin, điều tra khiến em thực sự ngưỡng mộ, phấn khích và ao ước được theo đuổi con đường này.

Trở thành một phóng viên, em sẽ có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trải nghiệm và học hỏi được nhiều hơn trong cuộc sống. Em nghĩ đây cũng là công việc phù hợp với năng lực, sở trường và tính cách của mình. Khi làm việc trong môi trường báo chí, em sẽ không bị nhàm chán và phát huy được khả năng”.

Đó là ước mơ từ khi còn nhỏ của cô nữ sinh: “Em đam mê trở thành một phóng viên từ khi xem các chương trình trên truyền hình và đặc biệt thích nhà báo Lại Văn Sâm, thấy chú nói chuyện rất thú vị, có kiến thức phong phú và gây thiện cảm rất nhiều tới khán giả.

Nếu nhắc đến các nhà báo trên thế giới, em ngưỡng mộ nhà báo Robert Fisk vì sự dấn thân dũng cảm và gan dạ của ông”.

Chia sẻ về ước mơ của con gái, anh Nguyễn Đăng Nhung bày tỏ: “Những ngày qua, cũng có nhiều nhà báo về làm phóng sự. Mỗi cuộc gặp như thế, vợ tôi lại khóc nức nở, chỉ vì nghĩ đến nghề báo sau này sẽ rất vất vả cho con gái. Nhưng mẹ có khóc thì khóc, bố vẫn luôn ủng hộ ước mơ của con".

Hồng rất tâm đắc với câu nói: “Tôi không thể tiếp tục, tôi sẽ tiếp tục” trong cuốn tự truyện “Khi hơi thở hóa thinh không” của Paul Kalanithi: “Câu nói đó đã truyền động lực rất lớn để em có thể bước tiếp ngay trong những giai đoạn khó khăn”.

Kim Hồng rạng rỡ bên bố mẹ. (Ảnh NVCC).

“Em biết, nghề báo sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thử thách, nhưng em cho rằng, nếu mình vẫn có thể giữ được nhiệt huyết và ngọn lửa đam mê trong trái tim vẹn nguyên như ban đầu thì khó khăn, thử thách nào cũng sẽ vượt qua được. Có khó khăn thử thách thì mình mới rèn giũa được kỹ năng, góp nhặt được kinh nghiệm với nghề, với cuộc sống.

Cho dù có gặp những chỉ trích xã hội ra sao, vẫn sẽ theo nghề. Bên cạnh một số ý kiến tiêu cực của cư dân mạng thì cũng không thiếu những người có cái nhìn khách quan hơn đối với nghề.

Từ nhỏ, em đã tin vào câu nói: “Sướng khổ tùy tâm”, nên đối với em, dù trở thành một phóng viên có vất vả, gian khổ thì được làm điều mình muốn đã là một niềm hạnh phúc rồi...”, ánh mắt long lanh ấy vẫn đong đầy một niềm tin với nghề báo.