Toàn cảnh

Thu hút nhân tài: Không được trên “trải thảm”, dưới “rải đinh”!

"Tôi từng phát biểu nhiều lần ở nghị trường, trọng dụng nhân tài không thể “trên thì rải thảm, dưới thị rải đinh”", ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.

Nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhân tài, trong mỗi kỳ đại hội Đảng toàn quốc gần đây, công tác cán bộ nói chung và vấn đề nhân tài nói riêng luôn được được xác định là nhiệm vụ quan trọng và được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, chương trình hành động.

Mới đây, bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến góp ý dự thảo Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Chiến lược đề ra mục tiêu từ 2026 -2030, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2- 5% nhân tài trở lên trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý… Xung quanh dự thảo này, có nhiều ý kiến trái chiều và lo ngại có tình trạng người tài không được trọng dụng thay vào đó sẽ tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội chạy chọt, lọt vào, lấp cho đầy chỉ tiêu…

Cần có chính sách “trải thảm đỏ đón nhân tài" (Ảnh minh họa)

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn đặt câu hỏi: “Tại sao lại không phải là 100% nhân tài làm lãnh đạo, quản lý mà chỉ đưa ra con số tối thiểu 2-5% tới năm 2030. Nói như vậy, hóa ra 98% còn lại không phải là nhân tài?”

Ông Tiến nhận định, việc đưa ra con số cụ thể của bộ Nội vụ không phải là không khả thi mà đó là con số rất khiêm tốn so với mong muốn của chúng ta. Chúng ta mong muốn 100% nhân tài giữ cương vị quản lý nhà nước chứ không phải chỉ có 2-5%. “Tôi đề nghị phải đưa ra một căn cứ khoa học cụ thể để xác định nhân tài”, ông Tiến nói.  

Cũng theo ông Lê Như Tiến, cần làm rõ định nghĩa nhân tài là thế nào? Người xưa vẫn nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, bộ Nội vụ nên đề cập đến mục tiêu cố gắng tuyển chọn người tài vào bộ máy nhà nước với tỷ lệ càng cao càng tốt. Người tài phải có mặt ở các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty. Ở nhiều nước trên thế giới, nhân tài đứng ở vị trí rất cao, là mũi nhọn của tất cả các mặt xã hội, chính trị, kinh tế… như vậy mới tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội.…”, ông Tiến nói.

Bên lề câu chuyện lựa chọn nhân tài vào bộ máy quản lý, ông Lê Như Tiến đánh giá, việc sử dụng nhân tài của chúng ta chưa được sử dụng tốt. Công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm theo công thức “5C” – Con cháu các cụ cả, 4 “Ệ”- Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ tiền tệ và “5Đ”– Đố điều đi đâu được…

“Từ thực tế đó, tôi kiến nghị Quốc hội cần ban hành luật trọng dụng nhân tài, cụ thể hóa định nghĩa thế nào là nhân tài, chính sách đối với nhân tài như thế nào để nhân tài không bị chảy máu chất xám ra nước ngoài, chính sách để níu giữ người tài lại với đất nước, hàng loạt vấn đề cần phải luật hóa, chứ không nói chung chung. Tôi từng phát biểu nhiều lần ở nghị trường, trọng dụng nhân tài không thể “trên trải thảm, dưới rải đinh”, Chính phủ luôn hướng đến trọng dụng nhân tài nhưng khi xuống cơ sở, họ không cần nhân tài, vì người tài thì hay có tính độc lập, thích phản biện, trong khi họ chỉ cần những người biết lắng nghe và thuần phục. Khi nhân tài xuống muốn tìm cách dìm nhân tài, không cho nhân tài ngóc đầu lên được”, ông Tiến thẳng thắn đưa ra ý kiến.

TS.Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, mấu chốt là do không xác định được vị trí việc làm, từ chỗ không xác định được vị trí việc làm sẽ không xác định được mỗi vị trí cần bao nhiêu người và cần những người như thế nào. Bộ Nội vụ đặt ra mục tiêu tuyển nhân tài vào vị trí quản lý, lãnh đạo thì cũng cần làm rõ nhân tài là ai, tiêu chí cụ thể như thế nào. Chưa ai biết định nghĩa về nhân tài theo đề án này là thế nào, tiêu chí, tiêu chuẩn xác định nhân tài theo đề án là gì? Nhân tài là dựa vào bằng cấp, chức danh hay là dựa vào công trình khoa học, dựa vào nghiên cứu, sáng chế thực tế để đánh giá, chấm điểm nhân tài? Việc này phải được làm rõ.

Bàn về mục tiêu thu hút nhân tài trong bộ máy quản lý nhà nước và trong bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ, TS. Bùi Văn Nhơn lo ngại vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại, người tài không trọng dụng được thay vào đó sẽ tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội chạy chọt, lọt vào, lấp cho đầy chỉ tiêu. Theo đó, phải xác định số lượng, tiêu chuẩn về nhân tài cho từng vị trí, công việc phù hợp. Với những cơ quan nghiên cứu khoa học thì nhân tài là những người như thế nào? Còn với cơ quan quản lý hành chính phải cần người thế nào? Nếu không xác định rõ được vị trí việc làm, không định nghĩa rõ về nhân tài sẽ nảy sinh việc tuyển chọn có sự nhầm lẫn, chồng chéo. Cơ quan quản lý lại tuyển nhầm người làm khoa học, người làm khoa học lại đi làm quản lý...

Cần có chính sách đãi ngộ để không “chảy máu chất xám”

Mới đây, trong khuôn khổ đại hội Tài năng trẻ Việt Nam, anh Đào Đức Triệu, đoàn thanh niên bộ Công an cho rằng, chính sách thu hút đãi ngộ tài năng chưa đủ mạnh. “Tôi thấy ở Singapore, họ chọn người tài nhất vào làm việc trong khu vực nhà nước thì 1 người làm bằng hằng trăm người, nhưng quan trọng là họ đãi ngộ hấp dẫn. Vì vậy, tôi cho rằng dù là nước nghèo nhưng cũng phải chi mạnh cho tài năng thì mới có nguồn nhân tài".

Hương Lan