Kinh tế vĩ mô

Thu hút du khách từ những chương trình tham quan di sản văn hóa

Sau khi mở cửa du lịch, các di tích, danh thắng trên địa bàn Thủ đô đang nỗ lực kết nối với các đơn vị lữ hành để thu hút khách tham quan.

Thúc đẩy hoạt động du lịch với khách quốc tế 

Từ ngày 15/3, Việt Nam đã chào đón du khách nước ngoài với chính sách mở cửa du lịch hoàn toàn. Trong nỗ lực khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Hà Nội đã mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch dành cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Theo thông tin từ báo Kinh tế đô thị, sau 1 tuần được đón khách quốc tế, lượng khách nước ngoài đến các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn Thủ đô chưa có nhiều. Tuy nhiên, việc bắt đầu xuất hiện khách quốc tế tại các di tích, danh thắng Thủ đô sau thời gian dài gián đoạn do dịch Covid-19 cho thấy những tín hiệu đáng kỳ vọng, đặt ra khả năng phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Theo ông Trần Trung Bắc – Phòng Hành chính, tổng hợp – Ban Quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò: “Từ ngày 15/3, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò đã thông báo với các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Để thu hút khách tham quan, bên cạnh việc quảng bá trên truyền thông, các nền tảng mạng xã hội, chúng tôi đã nâng cấp hệ thống thuyết minh tự động, trang bị thêm thiết bị và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19”.

Cùng với việc nâng cấp các hệ thống thuyết minh tự động, các di tích, danh thắng trên địa bàn Thủ đô đã chủ động ứng dụng công nghệ, tạo ra các phần mềm, giúp khách quốc tế thuận lợi trong việc tiếp cận, trải nghiệm.

Khách du lịch tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: TTXVN. 

Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho hay: “Trong thời gian giãn cách, chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Hiện nay, cùng với việc tích cực kết nối với các đơn vị lữ hành để thúc đẩy hoạt động du lịch với khách quốc tế, chúng tôi đang phối hợp với các công ty công nghệ để tổ chức bán vé trực tuyến cho khách nước ngoài. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho khách quốc tế, các đơn vị lữ hành thuận tiện trong việc đặt mua vé, chủ động thời gian tham quan mà còn giảm thiểu tình trạng để du khách phải chờ đợi, xếp hàng, tập trung đông người tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.

Nhiều ý tưởng “hút khách” 

Nhiều ý tưởng được “ém” lại sau chuỗi ngày dài dịch bệnh, nay sẵn dịp “trình làng”. Sôi động nhất trong những ngày qua là sản phẩm du lịch lần đầu tiên được ra mắt tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Bác Cổ - Mùa hoa gạo. Ngay trong những ngày đầu tiên được giới thiệu, tour du lịch đã thu hút đông đảo du khách hào hứng tham gia. Nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo, lãng mạn và hoài cổ dẫn dắt bước chân du khách theo dòng xúc cảm nhẹ nhàng của hoa gạo tháng Ba, của những sắp đặt tiểu cảnh mang vóc dáng làng quê Việt và những phong cách kiến trúc độc đáo…

Bộ phận truyền thông của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, tour du lịch Bác Cổ - Mùa hoa gạo được khai trương ngay sau sự kiện du lịch mở cửa từ ngày 15.3 đã bổ sung trên bản đồ du lịch Thủ đô một sản phẩm ấn tượng. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Công ty lữ hành Hanoitourist xây dựng sản phẩm này nhằm tạo thêm trải nghiệm mới cho du khách khi tham quan Bảo tàng. Ước tính, trong các ngày từ 15 - 24.3, đã có gần 2.000 lượt khách tham gia tour Bác Cổ - Mùa hoa gạo. Riêng trong hai ngày cuối tuần, lượng khách đã đạt 1.000 lượt. Đây là tín hiệu đáng mừng, mang đến bầu không khí sôi động tại Bảo tàng sau một thời gian dài trầm lắng.

Trao đổi với báo Văn Hóa, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, bà Nguyễn Thị Thu Hoan cho biết, sản phẩm du lịch mới được xây dựng với mục đích để người dân và du khách hiểu thêm nét đẹp làng quê Việt, từ đó thêm yêu mến với những giá trị văn hóa truyền thống. Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cũng cho rằng, sản phẩm du lịch mới hướng tới trải nghiệm cá nhân, không chỉ giúp du khách thỏa mãn sở thích check-in mà còn có những hoạt động cụ thể, khám phá và tìm hiểu những bảo vật, hiện vật lịch sử vô giá, những giá trị văn hóa truyền thống thông qua quá trình trải nghiệm tại Bảo tàng. Đây cũng là xu hướng của du lịch trong bối cảnh mới, khi mà nhu cầu, thị hiếu của du khách đã thay đổi sau tác động của dịch Covid-19.

Công tác dọn dẹp vệ sinh ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN. 

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sau quãng thời gian đầu tiên tái khởi động, các hoạt động triển lãm, đón khách tham quan dần trở về guồng. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Truyền thông - Đối ngoại thông tin, lượng khách tham quan Bảo tàng kể từ ngày 15/3 đến hết ngày 23/3 thống kê được gần 1.600 lượt. Nhiều hoạt động triển lãm được tổ chức, thu hút đông đảo công chúng yêu mỹ thuật.

“Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã sẵn sàng các phương án đón du khách quốc tế, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị để sớm triển khai các ý tưởng mới phục vụ khách tham quan, dự kiến sẽ trình làng trong thời gian tới”, bà Hương cho biết. 

Trong những ngày qua, tại các điểm đến trung tâm trên địa bàn thành phố như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn… lượng khách tham quan cũng ngày càng một đông trở lại. Đặc biệt vào dịp cuối tuần, lượng khách đến vui chơi, tìm hiểu văn hóa, lịch sử tăng lên đáng kể.

Chia sẻ với Vietnam+/TTXVN, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám nhận định Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường là điểm đến không thể bỏ qua khi khách đến Hà Nội. Khi mở cửa trở lại, trung tâm tiếp tục triển khai các dự án phát huy giá trị di tích, phục vụ du khách.

Bên cạnh việc chỉnh trang không gian di tích, trung tâm đang triển khai phục dựng không gian trưng bày Trường Quốc Tử Giám, xây dựng sản phẩm du lịch đêm tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám, phục dựng Phương Đình tại đảo Kim Châu thuộc hồ Văn… Trung tâm đang chuyển đổi số ứng dụng vào công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Tour “Bác Cổ - Mùa hoa gạo”. Ảnh: Báo Văn hóa. 

Trong kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch thủ đô thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Hà Nội phấn đấu đón 9-10 triệu lượt khách trong năm 2022, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế.

Năm 2023, thành phố phấn đấu đón 12-14 triệu lượt khách, trong đó có 2,5-3,5 triệu lượt khách quốc tế. Hà Nội phát triển sản phẩm du lịch dựa theo tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực, trong đó du lịch văn hóa di sản là một ưu tiên để phát triển.

Hương Anh (tổng hợp)