Sự kiện

Thu hồi pate Minh Chay tại TP.HCM: Xuất hiện tâm lý e dè của người dân

Trong buổi họp báo vào chiều 1/9, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã trao đổi chi tiết về sự việc pate Minh Chay gây ngộ độc, nhiều bệnh nhân đang phải điều trị tại bệnh viện.

Phản ứng trái ngược

Thưa bà, công tác thu hồi sản phẩm pate Minh Chay đang được cơ quan chức năng tiến hành như thế nào ?

Cho đến chiều 1/9, chúng tôi xác định đã có 1.290 người mua 1.559 hộp pate Minh Chay. Đối với khách hàng online, cán bộ đã gọi điện từng người.

Qua đó, liên hệ được 1101 người, còn 122 người không liên lạc được do ngoài vùng phủ sóng hay nhiều nguyên nhân khách quan. Đến nay chỉ mới thu hồi được 103 hộp, chưa đến 10%.

Chúng tôi cũng kiểm tra hàng loạt cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay. Vì sản phẩm này không có trong các kênh phân phối lớn như siêu thị.

Việc thu hồi sản phẩm pate Minh Chay gặp khó khăn do một số người dân không hợp tác.

Việc thu hồi có được người dân hợp tác không ?

Sau khi thu hồi, chúng tôi sẽ báo cáo với cục An toàn thực phẩm, bộ Y tế để xử lý theo quy định, không gây ảnh hưởng môi trường.

Chúng tôi gọi điện để cảnh báo nhưng không phải người dân nào cũng hợp tác. Một số người rất nhiệt tình, buổi sáng gọi điện thì buổi chiều đã mang trực tiếp đến trụ sở ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.

Nhưng ngược lại, nhiều người không nhớ là ăn hay chưa, không biết sản phẩm đang để đâu. Nhiều người mua để biếu tặng hay thậm chí là bán lại cho người khác. Như một phụ nữ ở quận 5 đã mua 3 hộp và mang biếu 2 hộp cho ni cô ở chùa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chúng tôi liên lạc ngay với chi cục An toàn thực phẩm ở Bà Rịa – Vũng Tàu để cung cấp thông tin. Vì chậm trễ phút nào cũng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.

Trong khi thu hồi, một bộ phận người dân băn khoăn, muốn giữ lại để làm bằng chứng, sau này sẽ kiện công ty vì bán sản phẩm kém chất lượng. Chúng tôi đã giải thích rằng, khi thu hồi sẽ lập biên bản theo quy định. Người dân có thể dùng biên bản này để làm bằng chứng.

Tâm lý của nhiều người là không muốn bị đưa tên lên báo chí về chuyện đã mua hay sử dụng sản phẩm này. Nên họ cứ không chịu nói hay nói là không biết, rồi âm thầm vứt bỏ sản phẩm vào thùng rác. Điều này là cực kỳ nguy hiểm.

Tại sao ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM lại sốt sắng thu hồi sản phẩm này, mặc dù các bệnh nhân đều từ địa phương khác chuyển đến?

Theo thông tin từ các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, các bệnh nhân có sử dụng thực phẩm pate Minh Chay đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy là 6 ca (trong đó có 2 ca được chuyển từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, 2 ca được chuyển từ chuyển từ bệnh viện Đa khoa khoa tỉnh Đồng Nai và 2 ca được chuyển từ bệnh viện Bà Rịa).

Còn bệnh viện Nhiệt Đới có 2 ca được chuyển đến từ bệnh viện Long An. Và bệnh viện 115 ghi nhận 1 ca từ bệnh viện tỉnh Bình Dương. May mắn đã có 5 ca xuất hiện vì độc tính của vi khuẩn rất mạnh.

Việc cảnh báo của trách nhiệm của các cơ quan chức năng và địa phương, không riêng gì TP.HCM. Nhưng sản phẩm tiêu thụ, lưu hành ở Thành phố này là nhiều nhất.

Bởi, giá thành sản phẩm không hề rẻ, một hộp có giá gần 200 nghìn đồng, khá cao so với thị trường thực phẩm chay. Mà sản phẩm giá cao sẽ tìm kiếm khách hàng tiềm năng ở TP.HCM, nơi có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, hệ thống bán online phát triển.

Nhấn mạnh hậu kiểm, thanh tra

Công tác kiểm soát thực phẩm nói chung và thực phẩm chay, đồ hộp nói riêng đang được ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM thực hiện ra sao?

Thực phẩm chay đóng gói sẵn được chúng tôi kiểm soát ở mức độ gắt gao. Trong đó, tập trung kiểm tra các thực phẩm có hình thức, mùi vị,..để giả món mặn như đùi gà chay, thịt kho tiêu chay. Tôi nói thật, chỉ thiếu mỗi thịt cầy chay. Mà nguyên liệu chỉ có chừng đó nhưng để mô phỏng thực phẩm mặn thì chắc chắn phải gia công với hóa chất, phụ gia.

Quy trình quản lý thực phẩm đóng gói sẵn đang thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Doanh nghiệp làm thủ tục tự công bố, khác với trước đây là công bố. Nhưng thành phần hồ sơ về quy trình sản xuất, điều kiện an toàn thực phẩm, phiểu kiểm nghiệm,…đều như nhau.

Trước đây, doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, nộp lên cơ quan Nhà nước. Các tỉnh thành khác, sản phẩm theo từng ngành sẽ do các cơ quan khác nhau thẩm định. Đơn cử như pate chay sẽ nộp hồ sơ lên sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Còn tại TP.HCM, tất cả hồ sơ nộp tại ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM. Sau khi thông qua, cơ quan Nhà nước sẽ tiến hành công tác hậu kiểm, thanh tra.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.

Bà đánh giá gì khi có ý kiến cho rằng cơ chế như vậy là thả nổi, không quản lý tốt?

So sánh 2 hình thức, việc tự công bố sẽ bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Nhưng dù là hình thức nào, nếu không làm hậu kiểm, thanh tra thì cũng không có giá trị. Người ta muốn khai cái gì chả được.

Nên quy định pháp luật nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp. Và cơ quan Nhà nước có thể kiểm tra bất kỳ lúc nào, không báo trước. Chứ không phải là đoàn cán bộ đi thẩm định mà phải báo trước ngày giờ. Rồi doanh nghiệp nộp đơn xin hoãn, dù trước đó đã nộp hồ sơ, được thông qua.

Cảm ơn bà!