An ninh - Hình sự

Thủ đoạn tinh vi giả danh công an chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng

Sau khi xác định được “con mồi”, nhóm đối tượng gọi điện giả danh là công an thông báo nạn nhân đang liên quan đến vụ án và bị điều tra. Nếu muốn chứng minh vô tội phải chuyển tiền vào số tài khoản.

Ngày 16/4, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã phát đi thông báo yêu cầu người dân cảnh giác trong việc hiện nay có nhiều đối tượng lợi dụng danh nghĩa công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, theo thông tin từ cơ quan chức năng, vào ngày 30/3, chị T, thường trú tại phường An Phú, TP.Thuận An nghe điện thoại của một số lạ, người bên đầu số gọi đến tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Toà án thông báo chị này có liên quan đến một đường dây mua bán trái phép chất ma tuý.

Qua trao đổi, các đối tượng yêu cầu chị T. truy cập vào địa chỉ “http://www.congan.113hanoi.com”, đây là địa chỉ giả mạo trang thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội để xem “Lệnh bắt tạm giam”, “Quyết định ban hành tài khoản tạm giữ phục vụ điều tra”.

Thực chất đây là các loại giấy tờ giả mạo.

Người dân cần cảnh giác với hành vi lừa đảo qua điện thoại.

Sau khi chị T. lo sợ và khẳng định mình không liên quan đến đường dây này, các đối tượng biết “con mồi” đã cắn câu nên ngay lập tức yêu cầu chị T. phải chuyển tiền vào số tài khoản của nhóm đối tượng đưa để minh oan, kết thúc điều tra thì sẽ được trả lại.

Sau đó chị T. đã chuyển số tiền 1 tỷ 870 triệu đồng từ tài khoản của mình vào tài khoản do các đối tượng chỉ định.

Biết bị lừa, chị này đã trình báo sự việc lên công an. Hiện, hồ sơ vụ việc vẫn đang được thụ lý điều tra.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, đây là thủ đoạn không mới của các đối tượng phạm tội. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người bị lừa, công an đề nghị người dân hết sức cảnh giác để bảo vệ tài sản của chính mình.

Đầu năm 2020, cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, bộ Công an đã tạm giữ 10 nghi phạm (2 thanh niên Malaysia, 8 người Việt Nam) để điều tra đường dây lừa đảo qua điện thoại. Trong số này, Long Boon Leng, 29 tuổi, quốc tịch Malaysia được xác định là chủ mưu. Theo điều tra, từ tháng 9/2019, Leng và đồng bọn sử dụng các số điện thoại để giả lập "đường dây nóng" của bộ Công an. Sau đó, Leng phân vai cho người trong đường dây giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện thoại cho nạn nhân, đe dọa họ "có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng" như rửa tiền, buôn ma túy.

Khi nạn nhân nhẹ dạ tin tưởng, chúng yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền của bị hại bằng cách chuyển khoản. Với thủ đoạn trên, Leng và đồng bọn đã gọi điện uy hiếp hàng trăm người, thu lời bất chính khoảng 500 tỷ đồng.