An ninh - Hình sự

Thủ đoạn tinh vi của kẻ lừa đảo khiến cụ ông mất 120 triệu đồng trong tích tắc

Các đối tượng giả danh cán bộ công an thông báo ông A. dính vào đường dây ma túy và rửa tiền. Chúng còn gửi lệnh bắt tạm giam gửi qua zalo và yêu cầu nạn nhân gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm để phục vụ cho quá trình điều tra. Vì sợ hãi, ông A. đã chuyển toàn bộ số tiền đang có cho chúng.

Ngày 10/7, thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An, đơn vị vừa nhận được đơn trình báo của 1 nạn nhân về việc bị các đối tượng lừa đảo hàng trăm triệu đồng. Nạn nhân là ông N.V.A. (SN 1957), trú tại phường Lê Lợi, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An.

Theo đó, vào ngày 8/7, người đàn ông này nhận được cuộc điện thoại từ 1 người tự xưng là nhân viên Bưu điện Hà Nội. Người này nói rằng ông A. đang có 1 bưu phẩm đang bị giữ lại tại Bưu điện Hà Nội.

Vì không biết ai gửi nên ông A. vô cùng thắc mắc về "gói bưu phẩm" này. Lúc này, người tự xưng là "nhân viên bưu điện" nói sẽ nối máy cho ông gặp cán bộ Công an TP.Hà Nội để được giải quyết.

Sau đó, người xưng cán bộ công an cho biết ông A. liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền. Để phục vụ quá trình xác minh và điều tra, người này yêu cầu ông A. chuyển hết số tiền tiết kiệm mà ông có vào tài khoản của cơ quan công an. Nếu quá trình xác minh số tiền trên không liên quan đến tội phạm thì sẽ hoàn trả cho ông A..

Để nạn nhân tin là thật, chúng liền gửi lệnh bắt tạm giam ông A. qua... zalo. Vì hoảng sợ, ông A. đã chuyển hết số tiền tiết kiệm 120 triệu đồng cho chúng.

"Không biết bằng cách nào mà họ có hết thông tin của tôi từ họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại.... Vì thế, khi nghe họ nói tôi có liên quan đến đường dây ma túy, mặc dù bản thân không tin nhưng vẫn cảm thấy lo lắng. Khi tôi nhận được "Lệnh bắt tạm giam" qua zalo thì vô cùng hoảng loạn không nghĩ được gì nữa mà cứ thế đi chuyển tiền cho chúng", ông A. khai tại cơ quan điều tra.

Lệnh bắt tạm giam giả mà bọn lừa đảo gửi cho ông A. qua zalo.

Được biết, trước đó, đã có rất nhiều nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng với phương thức và thủ đoạn tương tự.

Theo Trung tá Hà Huy Đức, đội Cảnh sát PCTP sử dụng Công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài thuộc phòng Cảnh sát Công an tỉnh Nghệ An, phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản này, Công an Nghệ An đã nhiều lần tuyên truyền, cảnh báo, tuy nhiên thời gian gần đây vẫn có rất nhiều người bị dính "bẫy". Nạn nhân bị lừa chủ yếu là phụ nữ, người già, cán bộ hưu trí..., những người ít tiếp cận thông tin trên internet.

Vì vậy, để công tác phòng ngừa đối với loại tội phạm này có hiệu quả hơn, Công an Nghệ An đề nghị người dân cùng đồng hành với cơ quan công an để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo này. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho phụ nữ, người già, hưu trí, người có ít điều kiện tiếp cận thông tin trên internet để họ nâng cao tinh thần cảnh giác...

Công an Nghệ An khẳng định, những văn bản bọn tội phạm gửi qua zalo là giả. Bên cạnh đó, khi muốn mời làm việc và triệu tập ai đó thì sẽ có đại diện cơ quan điều tra (điều tra viên, cán bộ điều tra) cùng công an địa phương đến gửi giấy chứ không có việc gửi giấy qua mạng xã hội hoặc đường bưu điện.

Do vậy, nếu ai nhận được những văn bản như trên thì hãy đến cơ quan công an gần nhất để trình báo và cung cấp những văn bản đó cho cơ quan công an ngay. Đặc biệt, cần tỉnh táo, không được làm theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo.