Sự kiện

Thông xe đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch – Nam Thăng Long

Ngày 11/10, hơn 5 km đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long đã được thông xe nối liền mạch giao thông cửa ngõ Thủ đô.

Ngày 11/10, dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, sau 2 năm thi công đã chính thức được đưa vào hoạt động.

Lãnh đạo Chính phủ, UBND TP Hà Nội và bộ Giao thông Vận tải làm lễ khánh thành, gắn biển công trình đường Vành đai 3 trên cao có biểu tượng quốc kỳ Việt Nam - Nhật Bản.

Hoàn thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Bảo đảm tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận qua đó tạo động lực iển kinh tế, văn hoá, xã hội của các khu vực này. 

Tuyến đường dài 5,3 km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,8 km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426 m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404 m.

Dự án được xây dựng với quy mô bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn rộng 3,75 m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... Đây là đoạn đường trên cao duy nhất tại Hà Nội được thiết kế vận tốc 100 km/h.

Xe tải trên năm tấn, xe máy và người đi bộ không được di chuyển trên tuyến đường.

Sau khi phần cầu chính được thông xe từ tháng 10/2020, các nhà thầu sẽ tiếp tục triển khai thi công 6 nhánh lên xuống.

Việc phân luồng tổ chức giao thông sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Sửa chữa mặt cầu Thăng Long và thi công các nhánh lên xuống từ ngày 11/10; giai đoạn 2 dự kiến trước Tết 2021, các phương tiện sẽ đi lên cầu cạn và qua cầu Thăng Long theo tốc độ thiết kế. Giai đoạn 3 dự kiến vào giữa năm 2021 sẽ hình thành phương án tổ chức giao thông hoàn thiện, đưa vào khai thác các nhánh lên xuống tại các khu vực Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế và nút giao Nam Thăng Long (đối diện Ciputra).