Tài chính - Ngân hàng

Thông tin mới nhất vụ tập đoàn Đại Dương khiếu nại Tòa án Ba Đình

Sau khi tập đoàn Đại Dương gửi đơn khiếu nại đến Tòa án nhân dân quận Ba Đình (TP.Hà Nội), tòa án này vẫn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với hàng loạt quyết định liên quan đến nhân sự cấp cao của tập đoàn tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 vừa được thông qua.

Tòa án nhượng bộ...

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã CK: OGC) cho biết, sau khi gửi đơn khiếu nại đến Tòa án nhân dân (TAND) quận Ba Đình để phản đối quyết định áp dụng BPKCTT về việc dừng thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2018 của OGC, ngày 18/10 tập đoàn này đã nhận được phản hồi của Tòa án.

Theo đó, TAND quận Ba Đình vẫn khẳng định việc Tòa này ra quyết định áp dụng BPKCTT nói trên (vào ngày 3/10) là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp và lợi ích của các bên, TAND Ba Đình thấy rằng không cần thiết phải tạm dừng thực hiện các điều từ 1 đến 8 và điều 15 của Nghị quyết ĐHĐCĐ 2018 (không liên quan đến cơ cấu nhân sự) nên quyết định “dỡ bỏ” việc áp dụng BPKCTT dừng thực hiện các điều này.

Tập đoàn Đại Dương của cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm (ảnh) đang có tranh chấp thương mại với DNTN Hà Bảo do ông Thắm làm chủ, chủ yếu về vấn đề nhân sự lãnh đạo tại OGC

Đồng thời, TAND Ba Đình ra quyết định áp dụng BPKCTT mới, yêu cầu dừng thực hiện các điều 9 đến 14 của Nghị quyết ĐHĐCĐ 2018 của OGC.

Cùng ngày 18/10, chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình cũng ra quyết định về việc đình chỉ thi hành án đối với tập đoàn Đại Dương, nội dung là cấm thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ 2018.

Đồng thời đơn vị này tiếp tục ban hành một quyết định khác: Quyết định về việc thi hành án chủ động, buộc OGC phải dừng thực hiện các điều 9 đến 14 của Nghị quyết ĐHĐCĐ 2018.

Nội dung 6 điều trong Nghị quyết ĐHĐCĐ 2018 của OGC đang gây tranh chấp

Trước đó, ngày 11/9, TAND quận Ba Đình thụ lý giải quyết việc kinh doanh thương mại giữa doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hà Bảo – một cổ đông lớn của tập đoàn Đại Dương, trụ sở ở 111 Phố Huế, Hà Nội.

Cụ thể, chủ DNTN Hà Bảo là ông Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT của tập đoàn Đại Dương (hiện đang thi hành án tù chung thân vì các tội danh cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ, tham ô tài sản… trong vụ án tại OGC hồi năm 2014) đã ủy quyền cho bà Nguyễn Thanh Hương đứng ra yêu cầu TAND Ba Đình áp dụng BPKCTT đối với Nghị quyết ĐHĐCĐ 2018 của OGC, sau khi Hà Bảo bị truất quyền cổ đông tại Đại hội này.

Tòa án Ba Đình cho rằng, hiện DNTN Hà Bảo bị thu hồi giấy phép kinh doanh (vì ngừng hoạt động 1 năm mà không thông báo) nghĩa là vẫn trong quá trình giải thể, do đó chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền vẫn được thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tập đoàn Đại Dương tiếp tục khiếu nại

Sau khi nhận được kết quả giải quyết khiếu nại như trên từ TAND quận Ba Đình, Phó Tổng giám đốc OGC – ông Lê Huy Giang cho biết vẫn tiếp tục khiếu nại đối với Quyết định áp dụng BPKCTT mới của Tòa án.

Lý do khiếu nại vẫn là: Người yêu cầu áp dụng BPKCTT không có quyền yêu cầu, thủ tục ra yêu cầu áp dụng BPKCTT sai quy định của pháp luật, việc quyết định cho áp dụng BPKCTT là không có cơ sở và không cần thiết.

Căn cứ vào 6 điều tại Nghị quyết ĐHĐCĐ 2018 của OGC mà TAND quận Ba Đình giữ lại để áp dụng BPKCTT thì có thể thấy, nội dung đang gây tranh cãi, khiếu nại của Nghị quyết này là vấn đề nhân sự của tập đoàn Đại Dương.

Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, HĐQT OGC là miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của ông Hà Trọng Nam – anh trai ông Hà Văn Thắm, đồng thời bầu bổ sung ông Nguyễn Giang Nam là thành viên độc lập HĐQT, ông Nguyễn Thành Trung là thành viên HĐQT, ông Nguyễn Thanh Tùng là Kiểm soát viên nhiệm kỳ 2014 – 2019.

Việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của ông Hà Trọng Nam và bầu bổ sung thành viên HĐQT khác được thực hiện theo đề nghị của nhóm cổ đông đến từ ngân hàng TMCP Nam Á đang nắm giữ hơn 5% vốn điều lệ của OGC.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của OGC diễn ra ngày 12/6/2017, ông Hà Trọng Nam vắng mặt và ủy quyền cho người khác gửi đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT đến Đại hội nhưng không được chấp thuận vì Đại hội năm ngoái chỉ có sự tham dự của số cổ đông tương ứng với 47,05% số cổ phiếu có tỷ lệ biểu quyết, không đủ 50%.

Năm 2018, OGC đặt kế hoạch kinh doanh đạt doanh thu gần 1.400 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, lãi ròng 188 tỷ đồng.

Phát biểu tại ĐHĐCĐ 2018 hôm 15/8, đại diện OGC cho biết sau biến cố của ông Hà Văn Thắm năm 2014, các năm sau đó OGC hoạt động bết bát chủ yếu vì phải trích lập dự phòng, đến nay việc trích lập đã đạt 95% nên năm 2018 được dự báo là sẽ rất khả quan.

Tuy nhiên, chỉ sau đó hơn 1 tháng, vào cuối tháng 9/2018, HĐQT tập đoàn này đã phải công bố nghị quyết điều chỉnh giảm khoảng 70% kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018.

Cụ thể, tổng doanh thu/lợi nhuận hợp nhất giảm từ 1.393 tỷ đồng xuống còn 1.172 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 16%, lợi nhuận sau thuế cũng được điều chỉnh giảm sâu, từ 186 tỷ đồng mục tiêu đặt ra từ đầu năm, giảm còn 58 tỷ đồng.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây tập đoàn Đại Dương bất ngờ phát hiện bị sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Hà Nội “khóa” tình trạng hoạt động trên cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nên đã tức tốc gửi công văn đề nghị làm rõ. 

Theo OGC, ngày 15/10, tập đoàn này tình cờ đọc trên cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx, phần thông tin cơ bản của OGC ghi nhận tình trạng hoạt động là “Bị khóa”.

Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc OGC – ông Lê Huy Giang – cho hay, tính đến thời điểm hiện tại OGC chưa nhận được thông tin nào từ phía sở KHĐT Hà Nội thông báo về việc này.

Hiện tại OGC vẫn đang chờ thông tin phản hồi từ sở KHĐT Hà Nội.