An ninh - Hình sự

Thông tin mới nhất vụ thanh niên bị đe dọa khi ghi hình tại chốt CSGT Hải Phòng

Đang ghi hình giám sát tổ CSGT làm nhiệm vụ trên quốc lộ 10 tại huyện Thủy Nguyên, nam thanh niên bị người lạ mặt đe dọa, đòi hành hung.

Zing.vn đưa tin, sáng 13/4, trung tá Bùi Thế Bảy, Trạm trưởng Trạm CSGT Lưu Kiếm (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.Hải Phòng) cho biết, đơn vị này đang xác minh, làm rõ việc một nam thanh niên bị đe dọa hành hung khi quay hình ảnh tổ công tác làm nhiệm vụ.

Những ngày qua, mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip một thanh niên có tên Đ.V.N. (trú huyện Thủy Nguyên) dùng điện thoại quay cảnh tổ công tác thuộc Trạm CSGT Lưu Kiếm làm nhiệm vụ trên quốc lộ 10, gần cầu Đá Bạc, huyện Thủy Nguyên.

Trong clip, anh Đ.V.N. nói quay với mục đích “giám sát” tổ công tác gồm 3 cán bộ CSGT đang làm nhiệm vụ. Khi một CSGT đi tới hỏi, anh N. nói “em đang giám sát các anh làm việc”.

Ngay sau đó, một ôtô hiệu Honda HR-V đi tới khu vực tổ CSGT làm nhiệm vụ. Một người đàn ông to béo, mặc quần lửng, áo phông, đội mũ trắng bước từ trên xe xuống hỏi anh N.: "Quay cái gì?". Nam thanh niên trả lời đang giám sát CSGT làm nhiệm vụ.

Nghe vậy, người đàn ông to béo vừa chửi tục vừa đe dọa hành hung nam thanh niên. Người đàn ông này còn yêu cầu anh N. tắt điện thoại rồi lao tới tấn công. Nam thanh niên sau đó phải lên xe máy rời đi.

Trao đổi với báo Tiền phong, một lãnh đạo Phòng CSGT Hải Phòng thông tin, người lạ mặc áo phông trắng trong clip không phải cán bộ CSGT. Xác minh bước đầu cho thấy, thời điểm xảy ra sự việc người này ở huyện Thủy Nguyên và có mặt gần chốt cảnh sát làm nhiệm vụ.

“Đơn vị đang phối hợp Trạm CSGT Lưu Kiếm, Công an huyện Thủy Nguyên xác minh nội dung tài xế phản ánh”, đại diện Phòng CSGT Hải Phòng nói.

Quay phim, chụp hình CSGT sao cho đúng luật?

Thông tư 67/2019/TT-BCA đã liệt kê cụ thể 5 hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng công an nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Thứ nhất, thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Thứ năm, thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo một số điều kiện nhất định.

Trong đó, nhân dân được quyền giám sát hoạt động của lực lượng công an nhân dân trong việc thi hành quy định pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc chấp hành quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ (căn cứ Điều 10 Thông tư 67/2019/TT-BCA).

Chính vì vậy, người dân hoàn toàn có thể sử dụng các hình thức khác nhau thuộc 05 hình thức kể trên để giám sát hoạt động của CSGT làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc chụp ảnh hay quay phim cần đảm bảo các điều kiện được ghi nhận tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 67/2019.

Một là, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ.

Hai là, ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông).

Ba là, tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trong đó, Điều 4 thông tư này đã giải thích về khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và an ninh, trật tự. Dây căng là dây có nền màu đỏ và có in dòng chữ “KHU VỰC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG” màu vàng.

Như vậy, người dân được quyền quay phim, chụp ảnh CSGT nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ trong khu vực cho phép và phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

H.H (tổng hợp)