An ninh - Hình sự

Thông tin bản đồ về covid-19 là không chính xác!

Theo Công an TP.Hà Nội, thông tin bản đồ về covid-19 là không chính xác. Người dân không nên tin và chia sẻ bản đồ này.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội đang lan truyền đường link Google map chia sẻ bản đồ lưu ý dịch Covid-19 tại Hà Nội với hàng chục chấm đỏ cảnh báo trên địa bàn Thủ đô, khiến nhiều người dân lo lắng, hoang mang.

Tuy nhiên, theo Công an TP.Hà Nội, đây là bản đồ không chính xác, người dân không nên tin và chia sẻ bản đồ này.

Cơ quan công an khuyến cáo, để cập nhật các thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất về dịch COVID-19, người dân cập nhập thông tin từ Cổng thông tin điện tử của bộ Y tế (địa chỉ https://moh.gov.vn/) hoặc các trang thông tin chính thống, có uy tín.

Công an Hà Nội cũng cho biết, thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội đang kiểm soát tốt tình hình sau khi xuất hiện trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên; chủ động triển khai các biện pháp cần thiết để khoanh vùng, dập dịch cũng như bảo đảm nhu cầu hàng hóa của người dân; công khai minh bạch thông tin tình hình dịch bệnh, tất cả các ca nhiễm đều được thông báo đầy đủ.

Do đó, người dân có thể yên tâm, tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch của Thành phố, không hoang mang, dao động để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất.

Bản đồ đang lan truyền trên mạng về dịch covid-19 là không chính xác.

Điều quan trọng nhất vẫn là thực hiện các khuyến cáo của bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng;

Hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông…

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: Việc đưa thông tin không đúng sự thật gây hoang mang dư luận xã hội trong khi cả nước đang tập trung phòng, chống dịch bệnh là hành vi vi phạm pháp luật, cần xử lý nghiêm theo quy định hiện hành. Tùy theo tính chất, mức độ, động cơ, mục đích của người phát tán thông tin sai sự thật, sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS 2015.

Điều 288 BLHS 2015 quy định về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.