Sự kiện

Thông qua kế hoạch hành động của Nhóm đặc trách ASEAN về tin giả

Đây là việc thể chế hóa cơ chế trong khu vực nhằm giải quyết sự gia tăng của các mối đe dọa bất đối xứng tin giả, thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch…

Ngày 23/9, tại Tp.Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16, Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 lần thứ 7 (gọi chung là Hội nghị AMRI 16).

Thông tin kết quả kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm cho biết Hội nghị AMRI 16 đã diễn ra thành công tốt đẹp bao gồm cả công tác tổ chức và nội dung các Hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong kỳ họp.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại sự kiện. 

Các kết quả chính đạt được của Hội nghị AMRI 16 bao gồm: Các Bộ trưởng đã khẳng định và định vị vai trò của ngành thông tin trong giai đoạn mới là từ "thông tin" tới "tri thức", thông tin sẽ trở thành một phương tiện tích cực cho việc học tập trọn đời và nâng cao nhận thức và trình độ kỹ thuật số cho công dân ASEAN.

Đây là xu thế tất yếu của chuyển đổi số, ảnh hưởng của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.

Các Bộ trưởng khuyến khích đối thoại và gắn kết nhiều hơn nữa giữa truyền thông, cộng đồng và người dân nhằm thúc đẩy tính toàn diện hơn về thông tin, kêu gọi sự hợp tác của khu vực để xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh thông qua nâng cao năng lực số, thúc đẩy tối đa hóa các nguồn thông tin đáng tin cậy để xây dựng lòng tin, định hướng dư luận, tăng cường kỹ năng số cho công dân ASEAN, đặc biệt là thế hệ trẻ và người cao tuổi.

Các Bộ trưởng phụ trách thông tin ASEAN đã thông qua các văn kiện mới và ghi nhận kết quả và tiến trình đạt được của các khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực thông tin, bao gồm: Thông qua Tuyên bố Tầm nhìn AMRI “ASEAN 2035; Thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về "Truyền thông; Thông qua kế hoạch hành động của Nhóm đặc trách ASEAN về tin giả (PoA of TFFN) – là một trong những nỗ lực không ngừng của ngành thông tin trong việc thể chế hóa cơ chế trong khu vực nhằm giải quyết sự gia tăng của các mối đe dọa bất đối xứng bao gồm tin giả, thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch, quan điểm cực đoan và chủ nghĩa cực đoan; thông qua Hướng dẫn quản lý thông tin của Chính phủ trong việc chống lại thông tin giả mạo và thông tin sai sự thật trong truyền thông; cập nhật và hoan nghênh tiến độ thực hiện Kế hoạch chiến lược dành cho Thông tin và Truyền thông ASEAN (2016-2025) cũng như ủng hộ xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn mới.

Ngoài ra, phê duyệt các báo cáo kết quả từ 3 Nhóm công tác trực thuộc Hội nghị Quan chức cấp cao phụ trách về thông tin ASEAN (SOMRI); cập nhật và hoan nghênh tiến độ Kế hoạch Tổng thể truyền thông ASEAN giai đoạn 2018-2025 (ACMP II) trong việc thúc đẩy một cộng đồng cơ hội cho tất cả mọi người; ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động/dự án của Ủy ban Văn hóa và Thông tin ASEAN (COCI) tập trung nâng cao năng lực cho ngành thông tin và truyền thông.

Tại Hội nghị AMRI 16, Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến và đề xuất, tập trung vào 3 nội dung chính. Thứ nhất, tăng cường giáo dục ý thức cho công dân về sử dụng thông tin trong thời đại công nghệ số; thứ 2, tăng cường trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt trong chống tin giả; thứ 3, tăng cường vai trò của cơ quan truyền thống chính thống (có thể gọi là thông tin chính thống quốc gia) trên nền tảng số để bảo vệ công dân trên không gian số.