Góc nhìn luật gia

Thống nhất việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung trên cả nước: “Lá chắn” chặn oan sai, bức cung, nhục hình

Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2020 sẽ tiến hành ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can trên cả nước. Vậy, đây có thể coi là “lá chắn” chống oan sai, bức cung, nhục hình hay không và vấn đề thực hiện sẽ như thế nào?

Cơ sở vật chất còn chưa đồng bộ

Được biết, trên thực tế, các buồng hỏi cung của bộ Công an đa số xuống cấp và chỉ một số ít được trang bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Hầu hết trụ sở các cơ quan điều tra chưa có phòng hỏi cung mà dùng ngay phòng làm việc... Cơ sở vật chất của các bộ, ngành khác cũng chưa đảm bảo cho việc ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai.

Trong khi trước đó, theo Khoản 6, Điều 183 “Hỏi cung bị can” - Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”.

Ảnh minh họa 

Theo đó, để có quy định cụ thể về vấn đề này phù hợp với nội dung của luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỏi cung bị can đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch, chống bức cung, nhục hình, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tố tụng hình sự, ngày 11/9/2019, Thủ tướng đã ký Quyết định phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Về vấn đề ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can thì Quốc hội cũng đã bàn khi xây dựng các luật về tố tụng, nhất là tố tụng hình sự, vấn đề về luật giam giữ, luật về cơ quan điều tra...

Quá trình đó, đã bàn rất nhiều nội dung để tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện để các cơ quan tiến hành tố tụng làm việc cho đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ và phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Trong đó, có một loạt biện pháp, kể cả nâng cao năng lực trình độ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ điều tra, rồi liên quan đến cả trang thiết bị của các cơ quan tiến hành tố tụng như tòa án, viện kiểm sát, đặc biệt là cơ quan công an, hệ thống trại tạm giam, nhà tạm giữ...

Điều kiện về hỏi cung, trong đó có việc chống bức cung, nhục hình, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới án oan sai trong thời gian vừa qua. Đảm bảo quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, của các luật... Chủ trương ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can là điều rất tốt. Đặt ra các yêu cầu hoàn thiện quy định này, đó là định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay để thực hiện vấn đề này còn phải phụ thuộc vào điều kiện ngân sách và cơ sở vật chất của từng địa phương, của Chính phủ trong cân đối chung. Bởi vì nếu trang bị hiện đại hóa đồng loạt trên toàn bộ hệ thống của toàn quốc thì sẽ phải chi kinh phí rất lớn, ngân sách chưa thể cân đối được. Việc này theo tôi phải có lộ trình”.

Máy móc chỉ hỗ trợ, khâu quyết định vẫn là con người

Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: “Theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Dù máy móc, công nghệ có hiện đại đi chăng nữa, nó cũng chỉ là biện pháp hỗ trợ. Quan trọng nhất vẫn phải là năng lực trình độ, đạo đức, phẩm chất, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, điều tra viên, kiểm sát viên, cán bộ tòa án... khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Trước mắt, nếu như hiện nay nơi nào trang bị được thì cứ thực hiện cho tốt, còn nơi nào mà chưa trang bị được thì phải tăng cường vai trò của điều tra viên, kiểm sát viên trong quá trình tố tụng. Phải làm sao để có sự công khai, minh bạch ở mức độ tốt nhất.

Ví dụ như có sự giám sát, đề cao vai trò của luật sư. Không nhất thiết cứ phải có một camera ghi hình. Đối với bị can, bị cáo bị truy tố tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, rất cần có luật sư giám sát quá trình lấy lời khai, hỏi cung. Đó cũng là một trong những biện pháp để chống oan sai, vi phạm pháp luật trong quá trình tố tụng.

Trong điều kiện cơ sở vật chất, nguồn ngân sách còn khó khăn, không nhất thiết chúng ta cứ phải phụ thuộc vào công nghệ. Cái cốt lõi nhất vẫn là con người. Các điều tra viên, kiểm sát viên phải có trách nhiệm, có đạo đức nghề nghiệp, phải thường xuyên nâng cao nghiệp vụ và phải tôn trọng luật pháp. Anh không thể vì cái này, vì cái kia mà cố tình làm sai lệch thực tế khách quan của một vụ án, dẫn tới oan sai”.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền nói thêm: “Chính vì vậy, phải thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, các điều tra viên, kiểm sát viên không được vì mục đích này, mục đích kia mà phải phá án bằng được, bằng mọi cách.

Trách nhiệm của cán bộ điều tra là phải làm hết khả năng của mình, nhưng không có nghĩa là vì điều đó mà anh lại vi phạm cái khác, dẫn đến oan ai. Lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn đối với điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm và kiên quyết điều chuyển khỏi cơ quan tiến hành tố tụng những cá nhân vi phạm nghiêm trọng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử...”.

Bước ngoặt trong hoạt động tố tụng

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng Luật Tinh Thông đánh giá quy định ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng hình sự là "sự tiến bộ"; là "bước ngoặt trong hoạt động tố tụng giúp người dân có niềm tin hơn vào công lý".

Việc ghi âm, ghi hình sẽ hạn chế được bức cung, nhục hình, oan sai và những sai phạm có thể xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; đảm bảo sự minh bạch, quyền công dân, con người trong hoạt động tố tụng hình sự để từ đó việc giải quyết vụ án được khách quan. Bên cạnh đó, nó sẽ hạn chế việc phản cung.

Tuy nhiên, nhà chức trách cần có quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục tiếp cận bản ghi âm, ghi hình của bị can, bị cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Đồng quan  điểm, luật sư Nghiêm Quang Vinh – Công ty luật Nghiêm Quang cho rằng, nếu đề án này được thực hiện sẽ đảm quyền cho công dân, đây là một trong tiến bộ, ngay trong tạm giữ tạm giam được có luật sư của mình. Như vậy sẽ tránh cho việc hỏi cung bị áp đặt trong suy nghĩ của một số điều tra viên.

Khi triển khai được, việc đánh giá hành vi vi phạm pháp luật được cẩn trọng hơn, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

“Vì những bị tạm giữ sẽ tách rời bên ngoài chỉ có cơ quan chức năng mới được tiếp xúc.Việc ghi âm, ghi âm đảm bảo tính dân chủ, tránh bức cung nhục hình trong giam giữ”, luật sư Vinh khẳng định.

Nguyễn Hường - Lê Liên