Sức khỏe

Thói quen uống trà cực hại đối với cơ thể

Trà là một thức uống khá phổ biến trong đời sống của người Việt Nam. Tuy nhiên, một số thói quen uống trà ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe mỗi người.

Uống trà đặc

Nếu bạn uống trà đặc trong thời gian dài, hàm lượng axit oxalic trong trà mạnh có thể tăng lên rất nhiều, lượng hấp thụ vào cơ thể cũng tăng lên, sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.

Caffeine có trong trà đặc thường quá mức, có thể dễ gây ra nhịp tim nhanh. Ngoài ra, trà đặc còn có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể, dẫn đến loãng xương.

 

Uống trà quá nóng

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một báo cáo cảnh báo rằng uống đồ uống nóng trên 65°C có thể gây ung thư. Vì vậy, những người bạn thích uống trà nóng phải bỏ thói quen này và đợi cho đến khi nhiệt độ của trà giảm xuống.

Trà quá nóng sẽ làm tổn thương niêm mạc thực quản, thậm chí có thể dẫn tới ung thư thực quản. Ngoài ra, uống trà quá nóng có thể khiến cho cổ họng, thực quản và dạ dày bị kích thích có cảm giác bỏng rát.

Ngoài ra thói quen uống trà quá nóng còn có thể làm ảnh hưởng đến những cơ quan nội tạng khác trong cơ thể, đặc biệt là dạ dày.

Uống trà mới

Trà mới là trà được hái chưa đầy một tháng. Do chưa đạt đủ thời gian nên nó chứa một số chất có tác dụng phụ với cơ thể như polyphenol, andehit, chưa được oxy hóa hết rất dễ gây kích ứng niêm mạc dạ dày.

Theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Quốc, người dễ bị đau dạ dày nếu uống trà mới dễ bị nóng bụng.

Uống trà trước khi đi ngủ

Do caffein, theophylline và các chất khác trong trà có thể tạo ra các tác động kích thích rõ rệt lên hệ thần kinh trung ương của con người, khiến tinh thần con người hưng phấn, thậm chí khiến con người mất ngủ vào ban đêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ.

Uống trà khi đói và khi no

 

Nếu uống trà khi đói, bạn dễ bị say trà gây cảm giác khó chịu, nôn nao, chóng mặt...Đồng thời, uống trà khi đói làm cho hoạt động của tuyến nước bọt suy giảm và làm nguyên nhân giảm quá trình hấp thu protein trong thức ăn. Nếu uống trà khi no, trà sẽ pha loãng dịch vị dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn.

Hơn nữa, vì trong trà có hàm lượng axit oxalic. Axit oxalic sẽ phản ứng với sắt và protein trong thức ăn, ảnh hưởng đến quá hình hấp thụ 2 chất dinh dưỡng này. Vậy trước và sau khi ăn cơm khoảng 20 phút không nên uống trà.

Uống trà nước đầu

Trong quá trình trồng trọt, gia công, đóng gói thành phẩm, các loại trà không tránh khỏi bị nhiễm thuốc trừ sâu, phân bón, bụi đất...

Nước đầu chỉ có tác dụng rửa sạch trà. Bằng cách này sẽ khử được những tạp khuẩn có hại cho sức khỏe con người. Không chỉ vậy, caffeine trong trà có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, vậy nên những người mắc bệnh cao huyết áp nếu uống trà quá nhiều nước trà, đặc biệt là nước trà đặc sẽ khiến huyết áp tăng cao hơn, bất lợi cho sức khỏe.

Trang Dung (Tổng hợp)