Đời sống

Thói quen uống nước gây hại sức khỏe, nên bỏ ngay

Uống nước là việc đơn giản, là nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Tuy nhiên uống nước không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe.

Tiêu chuẩn lượng nước mỗi ngày là từ 2 - 2,5 lít/người. Có thể không khát nước nhưng chúng ta vẫn cần phải tìm cách nạp đủ lượng nước này.

Uống quá ít nước khiến da thiếu nước nhanh lão hóa, hệ bài tiết hoạt động cũng kém hơn. Uống quá nhiều nước khiến bàng quang và thận làm việc quá sức gây tiểu nhiều, tiểu liên tục, không thể tập trung.

Ngoài ra, những thói quen như uống quá nhiều nước khi khát, uống nước quá lạnh,... đều có ảnh hưởng không tốt với cơ thể. Dưới đây là những thói quen uống nước sai cách bạn nên tránh:

Uống quá nhiều nước

Lượng nước cần thiết bổ sung cho cơ thể phải được tính theo cân nặng, công việc cụ thể chứ không phải cứ càng uống nhiều càng tốt. Uống quá nhiều nước có thể gây hạ natri máu, hay còn gọi là "nhiễm độc nước".

Một lượng nước quá lớn được dung nạp vào cơ thể sẽ trở thành gánh nặng cho thận, gây suy thận và có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, thay đổi hành vi, tổn thương não, co giật hoặc hôn mê.

Uống không đủ nước

Nếu cảm thấy đói, miệng khô hoặc nước tiểu giống như nước táo là những dấu hiệu cơ thể đang uống không đủ nước. Do đó, hãy mang theo một chai nước không chứa BPA và đó là vật dụng cần thiết khi cảm thấy khát hoặc khi cảm giác thèm ăn giữa ngày bắt đầu xuất hiện.

Uống đủ nước sẽ giúp hỗ trợ tiêu hóa, tránh táo bón đồng thời giúp thải độc tố ra ngoài, ngăn chặn hình thành sỏi thận và cung cấp nước cho làn da. Lượng nước tối thiểu hàng ngày được khuyến nghị là 2 - 2,5 lít nước.

Chỉ uống nước khi thấy khát

Khi chúng ta cảm thấy khát nghĩa là cơ thể đã thiếu nước. Nếu chỉ uống nước khi khát hoặc để khát lâu mới uống sẽ khiến người nhanh mệt mỏi.

Khi khát, người ta thường uống nhanh và uống vội ly nước thật đầy. Đây là cách uống nước gây nguy hiểm cho cơ thể vì có thể làm cho máu bị loãng, tăng gánh nặng cho tim, nhất là với người làm việc nặng nhọc.

Đồng thời, uống nhiều nước một lúc sẽ khiến mồ hôi đổ ra liên tục khiến cơ thể thiếu các chất điện giải như kali, natri... và cảm giác khát lại càng tăng.

Uống nước quá lạnh

Nước lạnh không chỉ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa (nếu nước đá được làm từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh) mà còn gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi...

Đặc biệt, cần hạn chế uống nước quá lạnh vào mùa nóng vì nước lạnh hạ nhiệt trong cơ thể, làm chậm lại quá trình trao đổi chất.

Không uống nước sau khi ngủ dậy

Sau 1 giấc ngủ dài, lượng chất thải được đào thải rất lớn tích tụ lại cần được rửa sạch, các tế bào đang trong tình trạng "hạn hán" nếu không bổ sung nước cơ thể rất mệt mỏi. Vì thế, uống một cốc nước khi ngủ dậy là việc đầu tiên bạn nên làm trước khi bắt đầu bất cứ việc gì.

Dùng nước ngọt, nước có gas thay nước lọc

Bạn chỉ nên uống 1 lượng nhỏ nước có gas để giải khát trong ngày hè nóng bức. Nếu dùng thay thế hoàn toàn nước lọc sẽ tạo điều kiện cho các hóa chất gây hại trong loại nước này như đường hóa học, chất bảo quản, hương liệu tổng hợp gây hại cho sức khỏe răng miệng, đường ruột, tim mạch, da liễu.

Không uống nước trước khi đi ngủ

Khi ngủ các cơ quan vẫn hoạt động bình thường và nước không thể vắng mặt trong chu trình đó. Không có nước khiến tuần hoàn, hô hấp gặp vấn đề, giấc ngủ sẽ không trọn vẹn.

Do đó, một lượng nước vừa đủ trước khi đi ngủ để duy trì trạng thái ổn định của các cơ quan, tránh tiểu đêm, tránh uể oải và bảo vệ sức khỏe của mình trọn vẹn nhất có thể.

Uống nước quá nhanh

Khi chơi thể thao hoặc vận động mạnh, cơ thể bị mất nước, lúc này để giải tỏa cơn khát mọi người thường uống nước nhanh và nhiều. Uống nước ào ạt một lúc có thể sẽ cản trở tiêu hóa khiến tim đập loạn, buồn nôn, nôn, chuột rút... Uống nước nhanh cũng khiến các tạp chất trong thận và bàng quang tích tụ bên dưới, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Ngoài ra, nhiều người có thói quen chỉ uống nước vào một thời gian nhất định, như ban ngày, còn buổi tối lại hạn chế uống vì ngại chứng tiểu đêm.

Đây là những thói quen không đúng. Khi uống nước nên uống nước từng ngụm nhỏ và chia ra nhiều lần giúp chức năng tiêu hóa tối ưu, qua đó cải thiện sự trao đổi chất. Bác sĩ khuyến cáo không nên uống quá 900ml nước/giờ.

Minh Hoa (t/h)