Dân sinh

Thói quen chi tiêu tằn tiện của vị tỉ phú từng cắt tóc ở Việt Nam

Ingvar Kamprad, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng nội thất nổi tiếng thế giới IKEA có thói quen tiêu tiền kỳ quặc, đạm bạc.

Ingvar Feodor Kamprad sinh năm 1926 trong một trang trại nhỏ tên là Elmtaryd gần làng Agunnaryd, miền nam Thụy Điển. Lên 5 tuổi, ông đã biết bán diêm kiếm lời. Năm 10 tuổi, Kamprad đã quen với việc đạp xe quanh khu phố để bán bút chì, cá và đồ trang trí Giáng sinh.

Tỉ phú Ingvar Kamprad.

Khi tròn 17 tuổi (năm 1943), ông được cha thưởng cho một số tiền nhỏ vì thành tích học tập tốt ở trường (dù mắc chứng khó đọc). Kamprad đã dùng số tiền này lập ra công ty mang tên IKEA, viết tắt các chữ cái đầu trong tên và họ của ông, cùng tên trang trại nơi ông sinh ra và ngôi làng gần nhất. Ban đầu, ông chỉ kinh doanh các loại gia dụng nhỏ như khung ảnh. Năm năm sau, ông mới chính thức bán đồ nội thất.

Năm 1956, Kamprad nghĩ ra ý tưởng “flatpacking” (đóng gói phẳng), phương pháp giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí thông qua việc mua đồ nội thất gồm các bộ phận tháo rời, sau đó họ sẽ tự lắp ráp tại nhà. Hiệu quả và sự tiện lợi của phương pháp này là không phải bàn cãi bởi nó không chỉ giúp Kamprad cắt giảm chi phí mà còn kiếm thêm được tiền, bên cạnh đó còn phục vụ khách hàng tốt hơn.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc góp công sức để hoàn thiện một sản phẩm dù ít hay nhiều cũng đều giúp chủ nhân thêm yêu quý, trân trọng đồ vật đó hơn một món đồ vốn đã hoàn chỉnh ngay từ đầu. Và người tiêu dùng cũng rất hứng thú với việc tự làm đồ nội thất của mình. Có thể nói Kamprad đã tạo ra một cuộc cách mạng trong thị trường đồ nội thất vào năm 1956.

Từ đó công việc kinh doanh của Kamprad lên như diều gặp gió. IKEA mở rộng quy mô ra toàn bộ Thụy Điển, sang Na Uy, Đan Mạch, qua Đức tới châu Âu và nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Theo Malcolm Gladwell, tác giả cuốn sách đình đám viết về Kamprad từng nhận xét nhà sáng lập IKEA là người tận tâm, cởi mở nhưng tỉ mỉ và khó chiều. Những đặc điểm tính cách này giúp ông sáng tạo không ngừng nghỉ và cách tân không biết sợ hãi.

Xuất phát điểm từ việc bán những món đồ lặt vặt khi còn là một đứa trẻ, bằng tài năng và bản lĩnh, Ingvar Kamprad đã trở thành một trong những tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới, với tài sản ròng có lúc được ước tính lên đến 48,1 tỷ USD.

Dù giàu có nhưng vị tỷ phú này vẫn giữ lối sống tiết kiệm, tới nỗi bị người đời gán cho biệt danh "keo kiệt". Ông luôn ngồi ghế máy bay hạng bình dân mỗi khi ra nước ngoài công tác và chẳng bao giờ tá túc ở khách sạn 5 sao. Ông mua nước ở siêu thị về uống cho rẻ chứ không dùng nước của khách sạn. Ði tàu điện, Kamprad cân nhắc chọn mua vé rẻ tiền nếu có thể.

Được biết, năm 1973, ông quyết định chuyển trụ sở của IKEA từ Thụy Điển tới Đan Mạch để tránh những khoản thuế có thể ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của công ty. Ông cũng không ngại đưa cả gia đình tới Thụy Sĩ để tránh phải chịu những khoản thuế thu nhập ở Thụy Điển. Dù rằng tập đoàn IKEA hiện đang đóng tại Hà Lan còn Kamprad cũng đã trở về Thụy Điển sinh sống từ năm 2013 đến khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 2018.

Năm 2006, trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết đang dùng một chiếc ô tô cũ đã mua hơn chục năm. Tỷ phú nội thất "kiệt xỉ" tới mức phơi khô túi trà lọc đã qua sử dụng để dùng lại. Kết thúc bữa ăn tại nhà hàng, ông gói lại đĩa muối và hạt tiêu còn thừa để đem về nhà dùng.

Kamprad không ngại xếp hàng như bao người khác để mua đồ giảm giá trước dịp Giáng sinh. Trang phục thường ngày của ông là đồ mua ở chợ trời. Nếu cần mua thực phẩm, ông sẽ chỉ đi vào lúc chiều muộn, khi hàng hóa bắt đầu giảm giá.

Hồi năm 2008, tỉ phú người Thụy Điển từng chia sẻ với tờ Sydsvenskan rằng hóa đơn cắt tóc ở Hà Lan đã phá vỡ ngân sách cắt tóc của ông: "Số tiền hoang phí nhất tôi từng phải chi trả cho một lần cắt tóc là ở Hà Lan, mất tới 24 USD". Ðó là lý do ông thường “tranh thủ" chuyến công tác tới các nước đang phát triển để tiết kiệm chi phí. "Thông thường tôi sẽ cắt tóc khi đến thăm những nước đang phát triển, lần gần đây nhất là ở Việt Nam", Kamprad tiết lộ trong bài phỏng vấn với The Guardian năm 2016.

Triết lý sống này còn được ông chia sẻ tới từng nhân viên tập đoàn. Hàng triệu nhân viên IKEA trên toàn thế giới luôn chọn ngồi ghế phổ thông khi đi công tác, ra ngoài cũng đi xe buýt thay vì taxi. Ông khuyến khích nhân viên tới dùng bữa ở căng-tin công ty thay vì nhà hàng bên ngoài.Thêm vào đó, nhân viên sẽ bị phạt nếu không sử dụng hết hai mặt của một tờ giấy. "Tôi làm như thế vì 90.000 nhân viên của IKEA. Chúng tôi cần dành dụm tất cả những gì kiếm được", Ingvar Kamprad lý giải. Bị cho là tằn tiện quá mức dường như Ingvar Kamprad không quan tâm đến phán xét của người đời. Thậm chí, ông từng dõng dạc tuyên bố: "Tôi keo kiệt và tôi tự hào về điều đó".

Và hiệu quả của việc tiết kiệm đã thể hiện rõ ràng qua những con số: 10 năm đầu thế kỷ XXI, tập đoàn này không ngừng mở rộng quy mô hoạt động trên khắp thế giới; nhưng chi phí không hề bị đội lên. Trái lại, giá sản phẩm của họ luôn giảm trung bình 2-3%/năm. Ngày nay IKEA đã có hơn 400 cửa hàng trên lãnh thổ khoảng 50 quốc gia. Riêng IKEA Food Services đóng góp khoảng 1,8 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Tại IKEA, ông vẫn là người ra quyết định chính cho đến khi qua đời ở vào đầu năm 2018. Năm 2014, vị tỷ phú từng hài hước chia sẻ: “Tôi còn quá nhiều việc phải làm và chẳng có thời gian để chết đâu".

Minh Hoa (t/h)