Tiêu dùng & Dư luận

Thổi phồng công dụng, Sao Thái Dương tăng giá thuốc sau một đêm?

Trước khi có văn bản 5944 của bộ Y tế nêu 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, Sao Thái Dương đã nhanh tay tăng giá sản phẩm lên gấp nhiều lần.

Ngày 24/7, bộ Y tế gây xôn xao dư luận khi ban hành công văn số 5944/BYT-YDCT về tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu.

Trong đó có 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 cho F0 nhẹ, không triệu chứng, các y, bác sĩ tuyến đầu và các đối tượng cách ly F1.

Nhiều ý kiến cho rằng, văn bản này thiếu tính khoa học và có phần "thiên vị" cho một số doanh nghiệp. Đáng chú ý, công văn do Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành, nhưng phần phụ lục đính kèm với tên sản phẩm, cách sử dụng, nhà sản xuất các sản phẩm lại không có chữ ký của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và đóng dấu bộ Y tế theo đúng quy cách.

Vấp phải nhiều tranh cãi, 2 ngày sau khi ban hành, sáng 26/7, bộ Y tế đã ban hành công văn số 5967/BYT-YDCT về việc thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT nói trên.

Sau khi vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, bộ Y tế đã ban hành công văn số 5967/BYT-YDCT (phải) để thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT (trái).

Một số loại sản phẩm được đề cập trong công văn của bộ Y tế có sản phẩm của công ty Cổ phần Sao Thái Dương. Điển hình trong số đó phải kể đến Viên nang Kovir.

Dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và không có tác dụng chữa bệnh, nhưng ngay sau khi công văn số 5944 của bộ Y tế ban hành, trên mạng xã hội và nhiều trang thương mại điện tử bỗng xuất hiện tình trạng sản phẩm Viên nang Kovir được “thổi phồng” công dụng như Hiệu quả cao đối với các bệnh virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị Covid-19.

Đáng chú ý, 5 ngày trước khi có công văn 5944, phía công ty Sao Thái Dương đã có quyết định tăng giá với sản phầm Viên nang cứng Kovir.

Theo đó, công ty đã thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm viên nang cứng Kovir là 1 triệu đồng/hộp 2 vỉ x 15 viên. Văn bản này do ông Nguyễn Hữu Thắng – Tổng Giám đốc công ty ký ngày 19/7/2021.

Thông báo điều chỉnh giá bán viên nang Kovir lên 1 triệu đồng/hộp của công ty Cổ phần Sao Thái Dương.

Tại văn bản 5944/BYT-YDCT ngày 24/7, bộ Y tế có đề cập đến việc sẽ xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh vi phạm về quy chế chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo không đúng nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, đầu cơ tăng giá dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và các sản phẩm sản xuất từ dược liệu.

Cũng liên quan đến sản phẩm viên nang Kovir, trước đó ngày 14/9/2020, website của cục An toàn thực phẩm, bộ Y tế đã đăng thông tin cảnh báo, trong đó khẳng định, thông tin hỗ trợ điều trị Covid-19 của Kovir là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid-19.

Khi đó, cục An toàn thực phẩm cho hay đang phối hợp với các cơ quan chức năng của bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành để xác minh, xử lý theo quy định.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vụ việc này làm dấy lên dấu hỏi lớn về việc liệu công ty Cổ phần Sao Thái Dương có đang lợi dụng dịch bệnh Covid-19 và sức khoẻ của người dân để trục lợi? Dù văn bản 5944/BYT-YDCT đã bị huỷ một cách nhanh chóng nhưng bộ Y tế cần phải trả lời dư luận về trường hợp này.

Được biết, công ty Cổ phần dược phẩm Sao Thái Dương là một công ty hoạt động trong lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm có trụ sở chính tại phố Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Công ty thành lập vào năm 2002 bởi Dược sĩ Nguyễn Hữu Thắng và Thạc sĩ dược học Nguyễn Thị Hương Liên.

 Danh mục 12 sản phẩm bộ Y tế công bố đã vấp phải sự phản ứng gồm:

  1. Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên (Bệnh viện Y học cổ truyền, bộ Công an)
  2. Viên nang Kovir (công ty Cổ phần Sao Thái Dương)
  3. Bạch địa căn (Bệnh viện Y học cổ truyền, bộ Công an)
  4. Siro Viêm họng (Bệnh viện Y học cổ truyền, bộ Công an)
  5. Siro Dưỡng âm bổ phế (Bệnh viện Y học cổ truyền, bộ Công an)
  6. Siro Ngân kiều (Viện Y học cổ truyền Quân đội - bộ Quốc phòng)
  7. Hạnh tô (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương)
  8. Vệ khí khang (Viện Y học cổ truyền Quân đội - bộ Quốc phòng)
  9. Hoạt huyết Nhất Nhất (công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất)
  10. Imboot
  11. Xuyên tâm liên
  12. Nasagast - KG