Sự kiện

Thổi nồng độ cồn có lây lan virus corona?

Theo lãnh đạo phòng Tuyên truyền và Điều tra tai nạn giao thông, cục CSGT cho biết, mỗi người được kiểm tra nồng độ cồn đều được sử dụng một ống thổi riêng biệt, dùng một lần nên khó có nguy cơ lây nhiễm bệnh trong quá trình kiểm tra.

Tại cuộc họp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) vào chiều 30/1, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ cũng nắm bắt dư luận, yêu cầu kiểm tra, báo cáo về việc thổi kiểm tra nồng độ cồn có khả năng làm phát tán, lây lan dịch bệnh không. Nếu có, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng biện pháp kiểm tra này.

Phát biểu trên của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nhanh chóng nhận được những ý kiến trái chiều của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần khẩn trương dừng việc kiểm tra nồng độ cồn để tránh lây lan virus corona, một số khác lại cho rằng mỗi người kiểm tra nồng độ cồn được sử dụng ống thổi riêng nên không có chuyện lây lan virus.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ xem xét dừng biện pháp thổi nồng độ cồn nếu lây lan, phát tán dịch corona.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, sáng 31/1, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo phòng Tuyên truyền và Điều tra tai nạn giao thông, cục Cảnh sát giao thông (bộ Công an).

Vị lãnh đạo này khẳng định: “Mỗi người khi kiểm tra nồng độ cồn sẽ dùng một ống thổi riêng nên người tham gia giao thông có thể yên tâm khi sử dụng thiết bị kiểm tra. Hiện, cục CSGT vẫn tiến hành kiểm tra nồng độ cồn bình thường và chỉ dừng kiểm tra khi Chính phủ có chỉ đạo”.

Cụ thể, máy kiểm tra nồng độ cồn sử dụng ống thổi có van 1 chiều, chỉ có thể thổi hơi vào máy mà không thể hít ngược lại khí (nếu có) từ máy. Đồng thời, mỗi người được kiểm tra nồng độ cồn đều được sử dụng một ống thổi riêng biệt, dùng một lần nên khó có nguy cơ lây nhiễm bệnh trong quá trình kiểm tra.

Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch virus corona

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo); Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh; Thứ trưởng bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh; Thứ trưởng bộ Công an Nguyễn Văn Sơn; Thứ trưởng bộ Quốc phòng Trần Đơn; Thứ trưởng bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng bộ Tài chính Vũ Thị Mai; Thứ trưởng bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh.

Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ; Thứ trưởng bộ GTVT Lê Anh Tuấn; Thứ trưởng bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến; Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang; Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Trần Minh Hùng; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang; Phó Chủ tịch Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng; Quyền Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Lê Đăng Dũng; Quyền Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam Phạm Đức Long.

Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan có liên quan và địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, chỉ đạo việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp của Bộ Y tế phòng, chống dịch bệnh này.

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức thực hiện; đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền về tình hình dịch bệnh. Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.