Tiêu điểm thế giới

"Thời kỳ làm vua" của Nga ở Syria đã hết, giờ người Mỹ mới là số 1?

Mỹ tin rằng có thể phát động các cuộc tấn công bất cứ khi nào mình muốn mà không cần đưa ra cảnh báo cho Nga hay Syria.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Giải mã cuộc không kích

Theo chỉ đạo của Tổng thống Mỹ Joe Biden, quân đội Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích vào một địa điểm ở miền Đông Syria, nhằm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, vào ngày 25/2, khiến 17 người thiệt mạng.

Chỉ một tháng sau khi làm Tổng thống, tại sao ông Biden lại ra lệnh tấn công quân sự ở Syria? Theo China US Focus, cuộc không kích dường như để chứng minh rằng Mỹ đã trở lại và nước này đã sẵn sàng vươn tới đỉnh cao sức mạnh toàn cầu.

Kể từ khi ông Biden nhậm chức và chọn ra bộ máy chính quyền mới, nhà lãnh đạo Mỹ và Ngoại trưởng Tony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã nhiều lần tuyên bố rằng nước Mỹ đã trở lại, quay về với chủ nghĩa đa phương, với hệ thống Liên Hợp Quốc, tập trung vai trò trong NATO và quan hệ lành mạnh với các đồng minh châu Âu.

Nhưng sự trở lại này không được hiểu đơn giản là Mỹ tái gia nhập các đồng minh, mà thay vào đó, nó góp phần tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của quốc gia vốn được coi là siêu cường hàng đầu thế giới.

Để nâng cao uy tín của Mỹ ở các nước NATO và với các đồng minh ở châu Âu và Trung Đông, Tổng thống Biden cần phải làm một điều gì đó lớn lao để chứng minh cam kết của Mỹ đối với vai trò lãnh đạo.

Trên thực tế, các cuộc không kích ở Syria diễn ra ngay sau một loạt cuộc gặp giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu - tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, Hội nghị An ninh Munich và với các bộ trưởng quốc phòng NATO - tất cả đều được thiết kế để tăng cường đoàn kết nội bộ. Thực tế này cho thấy quyết định không kích bất ngờ này được chính quyền Biden thực hiện sau khi tham khảo ý kiến ​​của người châu Âu.

Thứ hai, rõ ràng các cuộc không kích nhắm vào Iran và Nga, mặc dù địa điểm tấn công là ở Syria. Mỹ biện minh rằng quyết định không kích là để đáp trả một cuộc tấn công bằng tên lửa vào giữa tháng 2 nhằm vào lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Iraq. Cuộc tấn công đó được cho là do một nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn phát động và dẫn đến thương vong.

Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc không kích của Mỹ đã được thực hiện khi cuộc điều tra về vụ tấn công nói trên vẫn đang được tiến hành. Lý do là vì sao?

Đòn vỗ mặt gửi Iran và Nga

Cuộc không kích của Mỹ là thông điệp gửi cả Nga lẫn Iran.

Thực chất, đó là vì Iran đã và đang đóng cửa cơ hội để Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, nên nước này cần có một thông điệp dằn mặt.

Vào năm 2018, chính quyền Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào năm 2015 của chính quyền Barack Obama và áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Iran, từ phong tỏa tài chính đến cấm xuất khẩu dầu. Năm sau, Iran đã áp dụng chiến lược “lát cắt salami” để ứng phó với các áp đặt của thỏa thuận.

Chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2020 đã làm dấy lên hy vọng lớn ở Iran rằng Mỹ có thể quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Iran đang thúc giục Washington hành động nhanh hơn để quay trở lại thỏa thuận hạt nhân bằng cách cố gắng gây thêm áp lực.

Chính quyền Biden nhận thức được cam kết của các đồng minh châu Âu đối với thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn là kết quả của chính sách ngoại giao đa phương, và có ý định đảo ngược “sai lầm” của chính quyền Donald Trump khi rút khỏi thỏa thuận. Nhưng họ không thích chính sách gây áp lực ở mức cao của Iran, nhấn mạnh rằng Iran trước hết nên hạn chế chương trình hạt nhân của mình.

Mặt khác, Iran đã yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi nhượng bộ, tuyên bố rằng không có chỗ cho việc đàm phán về nội dung của thỏa thuận ban đầu.

Rõ ràng, Mỹ - một quốc gia quen ra lệnh và thực hiện những gì họ coi là sự lãnh đạo trên trường quốc tế - nhận thấy không thể dung thứ cho lập trường cứng rắn của Iran. Và với các cuộc không kích ở Syria nhằm vào các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn, Washington đang gửi một thông điệp tới Tehran: Nên biết thế nào là đủ.

Đồng thời, các cuộc không kích cũng nhằm vào Nga, một nguồn hỗ trợ quan trọng cho Syria. Tổng thống Biden đã trình bày cái gọi là mối đe dọa do Nga và Trung Quốc gây ra kể từ khi nhậm chức, cũng như đã làm trong chiến dịch tranh cử.

Để tăng cường đoàn kết với các đồng minh và tái tạo sức mạnh cho NATO, cần phải tìm ra kẻ thù chung, và "mối đe dọa từ Nga" được cho là phù hợp nhất. So với Ukraine và các nước láng giềng thân cận khác của Nga và các nước châu Âu, việc tiến hành các cuộc tấn công quân sự ở Syria là một lời cảnh báo đối với Nga sẽ ít tốn kém và rủi ro hơn.

Cuộc không kích có nghĩa là Mỹ không nể mặt chính phủ Syria hoặc Nga. Thay vào đó, Washington tin rằng họ có thể phát động các cuộc tấn công bất cứ khi nào mình muốn mà không cần đưa ra thông báo hoặc cảnh báo trước cho một trong hai quốc gia.

Các cuộc tấn công thể hiện ý định của Mỹ nhằm khẳng định lại ảnh hưởng của mình ở Trung Đông và việc nước này từ chối đứng yên khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở rộng ảnh hưởng ở Syria và bình diện rộng lớn hơn.

Washington coi Trung Đông là khu vực ảnh hưởng truyền thống của mình và không muốn có các tác nhân chi phối khác trong khu vực.