Thế giới

"Thời gian đang đứng về phía Ukraine"

Quân Ukraine có thể bao vây quân Nga ở phía Bắc và phía Tây Kiev, trong khi Nga tích lũy thêm quân chỉ để “vá các lỗ hổng” ở các địa điểm mà họ hiện đang kiểm soát.

Ông Nikolay Mitrokhin, một chuyên gia và nhà nghiên cứu về Nga tại Đại học Bremen của Đức, cho biết Ukraine đã ngăn chặn thành công cuộc tấn công chớp nhoáng mà Moscow dự kiến, biến nó thành một cuộc giao tranh khiến binh lính Nga mất nhuệ khí và lâm vào cảnh thiếu thốn tiếp tế.

"Tình hình cuối cùng đã ổn định trên tất cả các mặt trận", ông Mitrokhin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera.

“Nó có thể là tạm thời, nhưng trong 2 tuần qua, quân đội [đối lập] đang giậm chân tại chỗ, và cuộc chiến đã chuyển từ tác chiến cơ động sang chiến tranh chiến hào”, ông bổ sung.

Thay vì đẩy mạnh theo các hướng chiến lược, người Nga chỉ đạt được những thành tích rất vừa phải ở khu vực ly khai miền Đông nhưng với những tổn thất to lớn, ông Mitrokhin nói.

Vị chuyên gia này cho biết, bất chấp việc Nga thiếu tiến bộ trên tổng thể, các lực lượng của họ đã bao vây gần như hoàn toàn thành phố Chernihiv ở miền Bắc và tiến hành “hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác” vào thành phố Izium ở miền Đông, bên cạnh các cuộc bắn phá gần như liên tục vào Kharkiv và Mariupol.

“Nhưng thời gian đang đứng về phía Ukraine”, ông Mitrokhin nói và lưu ý rằng, các lực lượng Ukraine có thể bao vây người Nga ở các khu vực phía Bắc và phía Tây của Kiev trong khi Nga tích lũy thêm quân chỉ để “vá các lỗ hổng” tại các địa điểm mà họ hiện đang kiểm soát.

Cái quân đội Ukraine có chính là lợi thế sân nhà, với việc Chính phủ và Tổng thống vẫn đang ở Kiev, và sự ủng hộ của mọi người, vị chuyên gia này kết luận.

Ukraine và Nga thực hiện đợt trao đổi tù nhân chính thức đầu tiên

Ukraine và Nga hôm 24/3 đã trao đổi với nhau 10 tù binh lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột vũ trang giữa 2 bên bùng nổ vào ngày 24/2.

“Hôm nay, theo lệnh của Tổng thống Zelensky, cuộc trao đổi tù binh đầu tiên đã diễn ra”, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereschuk cho biết. “Chúng tôi đã đổi 10 tù binh lấy 10 người lính của chúng tôi”.

Bà Vereschuk cho biết thêm rằng, Ukraine đã trả về nhà 11 thủy thủ dân sự Nga được cứu từ một con tàu đắm gần cảng Odessa trên Biển Đen.

Đổi lại, Ukraine nhận lại 19 thủy thủ dân sự Ukraine bị bắt làm tù binh gần Đảo Rắn (Zmiinyi) trên Biển Đen, bà cho biết trên Telegram.

Các đợt phản công của quân Ukraine đã tăng lên trong 2 ngày qua, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). Ảnh: Al Jazeera

Nga mở “hành lang nhân đạo” cho tàu mắc kẹt ở Biển Đen

Đại tá Mikhail Mizintsev cho biết, Nga đang đề nghị cho phép các tàu nước ngoài tập trung ở Biển Đen, cách cảng Illichivsk 32 km về phía Đông Nam và sau đó đi theo “hành lang nhân đạo” dài 129 km đến nơi an toàn.

Ông cho biết thêm rằng 67 tàu từ 15 quốc gia đã bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine. Một tuyến đường an toàn sẽ được mở hàng ngày từ 8h sáng đến 7h giờ tối theo giờ Moscow (12h trưa đến 11h đêm cùng ngày theo giờ Hà Nội) bắt đầu từ ngày 25/3.

Ông Mizintsev đổ lỗi cho quân Ukraine về đoàn tàu mắc kẹt này. Ông cho rằng những con tàu đó không thể rời đi an toàn do mối đe dọa từ các cuộc pháo kích của Ukraine và sự hiện diện của thủy lôi do các lực lượng Ukraine triển khai.

Hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ không đưa ra các biện pháp trừng phạt mới

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ không đưa ra các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày (24-25/3) của khối này, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết.

“Tôi không mong đợi các biện pháp trừng phạt mới cụ thể sẽ được đưa ra vào ngày hôm nay”, Thủ tướng Rutte cho biết khi ông đến tham dự phiên khai mạc hội nghị. Sự kiện này quy tụ lãnh đạo của của tất cả 27 quốc gia thành viên của khối.

“Chúng tôi không thể tư duy về các biện pháp trừng phạt với một nhóm rộng lớn như vậy, chúng tôi cần các đề xuất. Chúng tôi đã áp đặt rất nhiều biện pháp trừng phạt, chúng tôi hiện đang đi vào những vấn đề phức tạp hơn”.

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết về Ukraine

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA), với số phiếu thuận áp đảo, đã thông qua nghị quyết quy trách nhiệm cho Nga về việc gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và bảo vệ hàng triệu dân thường.

Nghị quyết do Ukraine và các đồng minh soạn thảo đã được 140 quốc gia ủng hộ.

Năm quốc gia thành viên - Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Belarus - đã bỏ phiếu phản đối, trong khi 38 quốc gia khác bỏ phiếu trắng.

Một cuộc bỏ phiếu tương tự đã diễn ra hôm 2/3 về nghị quyết yêu cầu Nga ngừng sử dụng vũ lực ngay lập tức.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) ngày 24/3/2022 thông qua một nghị quyết không ràng buộc mới yêu cầu ngừng ngay lập tức xung đột vũ trang Nga - Ukraine. Ảnh: Verve Times

Tổng thống Mỹ ủng hộ việc loại Nga khỏi G20

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ ủng hộ việc loại Nga khỏi Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (G20) và cho biết chủ đề này đã được nêu ra trong các cuộc hội đàm của ông với các nhà lãnh đạo thế giới tại Brussels hôm 24/3.

"Câu trả lời của tôi là có, phụ thuộc vào G20", ông Biden trả lời khi được hỏi liệu Nga có nên bị loại khỏi diễn đàn này hay không.

Nếu các quốc gia như Indonesia và những quốc gia khác không đồng ý với việc loại trừ Nga, ông cho biết, thì Ukraine nên được phép tham dự các cuộc họp.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, Times of Israel)