Giáo dục

Thời điểm, thời khắc, thời cơ phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá vì là lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao nhưng phải đào tạo với tinh thần chất lượng cao.

Hôm nay (19/10), Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.

Tuy nhiên, người học và các cơ sở đào tạo sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Vì vậy, theo Thứ trưởng mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.

Vòng quẩn này chính là điểm nghẽn lớn, bên cạnh sự định hướng rõ nét, nguồn lực hỗ trợ tương xứng và công cụ điều phối hiệu quả của Nhà nước, rất cần sự chủ động vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học, kết hợp cùng các tập đoàn doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước, từ đó thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động và tạo vòng hồi tiếp để thu hút người học, gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục thu hút đầu tư.

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Theo Thứ trưởng nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

Để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, không ai khác chính là các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu. Theo số liệu thống kế của Bộ GD&ĐT, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đào tạo có khả năng tham gia, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.

Để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, như dự báo của một số cơ quan, tổ chức, sẽ có nhiều việc cần phải làm.

Không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá: “Tôi muốn nói tới một chữ “Thời”. Đây là một thời điểm, thời khắc, thời cơ. Chúng ta vẫn ao ước có lĩnh vực công nghiệp đi được vào lĩnh vực cốt lõi. Chúng ta đã có nhiều nhiệm kỳ của Trung ương Đảng cho rằng “sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước chưa đạt như mong muốn”.

Nhưng ở thời điểm này, chúng ta đang có một cơ hội lớn - khi dịch chuyển FDI trên phạm vi toàn cầu, khi các quan hệ quốc tế thay đổi, khi vị thế của Việt Nam có điều chỉnh, khi sự tin cậy trong quan hệ quốc tế có thể mang lại sự tin cậy, sự chia sẻ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật… Tất cả các điều đó hội tụ”.

Nếu phát triển được nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực này, các chỉ số công bố khoa học sẽ gia tăng, phát minh sáng chế sẽ gia tăng, tiềm lực về khoa học và tiềm lực về đào tạo của hệ thống các trường sẽ gia tăng, sẽ có diện mạo mới và đây là cơ hội hiện đại hoá hệ thống đại học. Trong đó, đặc biệt là các trường kỹ thuật và công nghệ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kỳ vọng vào việc phát triển khoa học, công nghệ.

“Bên cạnh chữ “Thời”, cần phải nói chữ “Cao”. Nhu cầu đang cao. Đây là lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao, người học có thể có lương cao… nhưng phải đào tạo với tinh thần là chất lượng cao. Cho nên cuộc hội thảo hôm nay không nên như các phong trào. Cần thống nhất một điều “câu chuyện mới chỉ là bắt đầu, khó khăn còn chống chất phía trước”. Cần xác định tinh thần như vậy và với quyết tâm rất cao mới làm được”, Bộ trưởng bày tỏ.

Để thực hiện được, Bộ trưởng đề nghị không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ, phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ.

“Trước hết những giải pháp về mặt thể chế, cần đề xuất những tầm giải pháp cao hơn như Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội.

Với các trường đủ quyết tâm chứng minh được khả năng của mình thì sẵn sàng cho các trường tuyển sinh sớm. Về phía Bộ GD&ĐT sẵn sàng ban hành Thông tư và quy chế đặc biệt; quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, để sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước nhoài… Với các thành tố của đào tạo, các trường cần nghĩ đột phát hơn nữa, đừng quá rụt rè”, ông Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.