Thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Nga

Đề cập đến công ước về việc quản lý 2 eo biển ở cửa ngõ duy nhất vào Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi thông báo chính thức về quan điểm của mình đối với vấn đề này.

Kể từ khi cuộc chiến của Nga với Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, Moscow đã vấp phải sự phẫn nộ từ cộng đồng quốc tế và hứng "cơn mưa" các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây.

Ankara không có ý định tham gia vào các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Nga vì cuộc chiến với Ukraine, Anadolu Agency dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết hôm 1/3.

"Về nguyên tắc, chúng tôi không tham gia vào các lệnh trừng phạt như vậy theo nghĩa chung. Chúng tôi cũng không có ý định tham gia vào các lệnh trừng phạt này", Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết trên kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ Haberturk.

Kể từ khi cuộc chiến của Nga với Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, Moscow đã vấp phải sự phẫn nộ từ cộng đồng quốc tế, với việc EU, Anh, Mỹ và một số nước thực hiện một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Hôm 28/2, đồng rúp Nga được giao dịch ở mức 111,52 rúp cho 1 USD (lúc 08:30 giờ GMT) và đã có lúc bị mất tới 40% giá trị, với tỉ giá giao dịch 118,6 rúp cho 1 USD, chạm mức thấp kỷ lục mới, Anadolu Agency cho biết.

Đề cập đến Công ước Montreux, một hiệp định năm 1936 về việc quản lý các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, ông Cavusoglu cho biết, Ankara đã gửi thông báo chính thức về quan điểm của mình đối với vấn đề này tới các nước liên quan.

Ông nói thêm rằng, Nga đã chấp nhận khi Ankara đề nghị Moscow rút lại yêu cầu cho các tàu chiến không đăng ký trong hạm đội Biển Đen của họ đi qua các eo biển ở cửa ngõ duy nhất ra vào Biển Đen.

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine bước sang ngày thứ sáu, các điều khoản của hiệp ước năm 1936 - kiểm soát quyền tiếp cận Biển Đen, bao gồm các quốc gia ven biển như Ukraine - đã trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế.

Cavusoglu đặc biệt đề cập rằng Điều 19 của công ước sẽ được thực hiện.

Công ước trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền cấm tàu chiến qua các eo biển Bosporus và Dardanelles để ra vào Biển Đen trong thời chiến.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Dinh thự Tổng thống Nga ở Sochi, Nga vào ngày 29/9/2021. Ảnh: Anadolu Agency

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn giữa Nga và Ukraine khi cuộc chiến tiếp tục sang ngày thứ sáu.

"Lời kêu gọi của chúng tôi đối với cả Nga và Ukraine là họ ngừng bắn càng sớm càng tốt", Tổng thống Erdogan nói trong cuộc họp báo chung cùng với người đồng cấp Kosovo Vjosa Osmani-Sadriu tại Văn phong Tổng thống ở Ankara.

Ông Erdogan kêu gọi cả Moscow và Kiev "đóng góp thật tốt cho hòa bình thế giới".

Ít nhất 136 dân thường, trong đó có 13 trẻ em, đã thiệt mạng và 400 người khác, trong đó có 26 trẻ em, bị thương ở Ukraine, Anadolu Agency dẫn số liệu của Liên Hợp Quốc cho biết.

Khoảng 660.000 người đã rời Ukraine sang các nước láng giềng, cơ quan LHQ cho biết hôm 1/3.

Minh Đức (Theo Anadolu Agency, TRT World)