Dân sinh

Thợ kim hoàn thủ công hiếm hoi trong phố cổ

Giữa phố thị sầm uất, căn nhà số 83 Hàng Bạc khác biệt hoàn toàn so với những biển hiệu sáng trưng và hiện đại.

Ông Nguyễn Chí Thành, 72 tuổi là thế hệ thứ năm trong một gia đình có truyền thống làm nghề kim hoàn thủ công.Ông vốn là người con của mảnh đất Định Công - nơi trước nay nổi tiếng với nghề kim hoàn thủ công.

Căn nhà số 83 Hàng Bạc nhỏ và sâu hun hút, khác biệt hoàn toàn so với những biển hiệu sáng trưng và sầm uất. Chính tại căn nhà này của ông Thành chứa đựng một Hà Nội đầy hoài niệm và xưa cũ.

Chiếc bàn mà hàng ngày ông Thành vẫn tỉ mỉ khắc từng chi tiết. Trước mặt người thợ thủ công có treo một bóng đèn tròn, bên ngoài là nửa vỏ lon bia ông tự chế thành chụp đèn. Những vỏ lon bia là hộp đựng, cái bát sứt để chứa những đồ vụn vặt...

"Tất cả những đồ đạc trên bàn đều là kỉ vật đối với tôi. Chúng dù có cũ kĩ, không có gì đặc biệt nhưng là nó được ông, cha tôi dùng rồi truyền lại cho tôi. Đến tuổi này rồi, đôi khi được ngồi ngắm những thứ trên bàn mỗi ngày đã là một niềm hạnh phúc. Nhiều người đến đây xem, chụp ảnh tôi làm chứ cũng không mua gì"- ông Thành tâm sự.

Quan sát từng động tác của ông Thành mới thấy sự tỉ mỉ, kiên trì của một nghệ nhân. Mỗi một sản phẩm, tuỳ từng mẫu mã trung bình ông mất từ hai đến ba ngày để hoàn thành.

Ông Thành chia sẻ: “Từ nhỏ, hàng ngày nghe tiếng đe búa của mọi người trong làng, dần dần cũng quen và mọi thứ tự hình thành trong đầu. Trong gia đình có 7 người, tôi là người duy nhất tiếp tục theo nghề kim hoàn. Dù thời đấy khó khăn, mọi người phải bươn chải làm nhiều nghề khác nhau nhưng tôi vẫn quyết thành thợ chạm bạc, giữ nghề cho cả dòng họ vì tôi vốn yêu cái nghề này từ lâu".

"Trước đây, có những tháng cao điểm,thường tôi làm từ sáng đến tậm đêm mới nghỉ.Nhưng giờ sức khoẻ không còn cho phép,hơn nữa lại sống một mình nên tôi nghỉ sớm hơn. Già rồi, hơn nữa con trai tôi cũng đang phát triển nghề kim hoàn truyền thống ở Thuỵ Điển, ở cửa hàng thì có cháu phụ giúp nên cũng an tâm phần nào’’- ông Thành nói thêm.

Hiện nay, Hàng Bạc chủ yếu là các cửa hàng bán đồ mỹ nghệ công nghiệp chứ không còn nhiều những đôi tay đúc, khắc thủ công như trước. 

Trải qua những thập kỉ thăng trầm, niềm vui lớn nhất của người đàn ông này chính là khi trả một sản phẩm, nhìn vẻ mặt khách tươi cười ưng ý. 

Khách hàng đến với cửa hàng của ông Thành hầu như là khách quen hoặc những người có tư tưởng hoài cổ.

 Sản phẩm của ông có thể dựa theo mẫu có sẵn hoặc tự sáng tạo theo ý của khách hàng. Mỗi sản phẩm tính công, ông Thành chỉ được khoảng vài trăm đến triệu đồng, tuỳ mức độ cầu kì của sản phẩm. 

Đắc Huy