Văn hoá

Thiếu tá công an phải lòng văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên

Dày công sưu tầm hàng nghìn hiện vật của các dân tộc Tây Nguyên, Thiếu tá Đinh Văn Bộ mong muốn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống.

Sưu tầm hàng nghìn hiện vật văn hóa

Thời gian qua, Thiếu tá Đinh Văn Bộ, công tác tại Công an huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) đã lặn lội khắp các bon (buôn), làng để sưu tầm hàng nghìn hiện vật gắn liền với đời sống, sinh hoạt, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.

Anh Đinh Văn Bộ quê ở tỉnh Thái Bình. Năm 2000, anh theo gia đình vào xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) sinh sống, lập nghiệp. Đây là vùng đất có nhiều đồng bào các dân tộc tại chỗ sinh sống. Đáng nói, mỗi dân tộc còn lưu giữ nhiều hiện vật văn hóa khác nhau và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống khiến anh Bộ không khỏi tò mò.

Phải lòng với văn hóa Tây Nguyên, Thiếu tá Đinh Văn Bộ lặn lội khắp nơi để sưu tầm hàng nghìn hiện vật. 

Không chỉ vậy, quá trình sinh sống trên vùng đất cao nguyên đầy nắng gió, anh Bộ có cơ hội gặp gỡ, kết thân với nhiều bạn là người dân tộc bản địa. Dần dà, anh không khỏi thích thú với lối sống giản dị, chất phác, thật thà của người dân nơi đây.

Năm 2010, anh Bộ về công tác tại Công an huyện Đắk Glong. Kể từ đó, anh thường xuyên đi địa bàn, về các bon, làng và nhận ra nhiều điều thú vị trong đời sống văn hóa, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Hiểu và yêu thích văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa từ lúc nào không hay, anh Bộ đã nhen nhóm ý tưởng sưu tầm các hiện vật văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

Đến nay, anh Bộ đã sưu tầm được gần 300 chiếc chóe.

Không để ý tưởng nằm mãi trong suy nghĩ, khoảng 10 năm nay, anh Bộ đi khắp các bon, làng, chắt chiu từng đồng lương để sưu tầm các hiện vật văn hóa.

Bên cạnh đó, anh còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, gặp gỡ người già trong các bon, làng. Qua đó, anh nhận ra mỗi hiện vật đều chứa đựng một câu chuyện văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và cần phải được lưu giữ.

Đến nay, sau một thời gian dài năm lặn lội, sưu tầm, Thiếu tá Bộ đã sở hữu hơn 1.000 hiện vật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, có tuổi đời từ vài chục đến hàng trăm năm tuổi. Trong căn nhà cấp 4 của gia đình anh Bộ, các cổ vật được trưng bày rất khoa học, gồm các nhóm: gốm, trang sức, nhạc cụ, đan lát, săn bắn, vũ khí...

Những kỷ niệm khó quên

Trong suốt quá trình sưu tầm hàng nghìn hiện vật văn hóa nói trên đã để lại trong anh Bộ nhiều kỷ niệm khó quên. Anh Bộ cho biết, có những hiện vật, anh phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc mới có thể sưu tầm được.

Đó là chiếc chóe “cây mai”, anh phải mất khoảng thời gian 5-6 năm đeo đuổi thì chủ nhân mới đồng ý nhượng lại. Anh Bộ kể: “Chiếc chóe của một cặp vợ chồng người M’nông. Trong những ngày tháng nắm địa bàn, tôi được vợ chồng người M’nông này đặc cách dẫn lên gác để xem chóe quý gia truyền”.

Ấn tượng với chiếc chóe quý hiếm ấy, anh Bộ đã hỏi mua để mang về bảo tồn, gìn giữ nhưng vợ chồng người M’nông nhất quyết không bán mà để làm kỷ niệm và giữ gìn hiện vật của cha ông. Đến năm 2020, khi người chồng mất, vợ ông cảm nhận được tấm lòng và tình yêu văn hóa Tây Nguyên của anh Bộ nên đã đồng ý nhượng lại chiếc chóe quý cho anh. “Khi mua lại cổ vật, tôi luôn khuyến khích họ tới thăm cổ vật nếu muốn”, anh Bộ nói.

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, chóe không chỉ là tài sản quý của gia đình mà còn là thước đo về sự giàu có và uy lực.

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, chóe không chỉ là đồ đựng gắn liền với tập quán uống rượu cần, mà còn là tài sản quý của gia đình, là thước đo về sự giàu có và uy lực, là lễ vật dùng trong các dịp cúng tế thần linh, là vật nộp phạt với những ai vi phạm luật tục của cộng đồng, là sính lễ trong cưới hỏi, là của hồi môn cho con cái và là tài sản chia cho người quá cố.

Hàng chục bộ cồng, chiêng được anh Bộ bày trí, sắp xếp theo hình chữ S đất nước Việt Nam.

Theo lời kể của một số già làng, chiếc chóe quý đến mức, nếu chẳng may xảy ra sự cố làm chết người, muốn không bị đền mạng thì chỉ cần đem chiếc chóe đến đền cho gia đình hoặc bon, làng nơi có người bị chết, gọi là chóe thế mạng. Hay khi người đàn ông muốn lấy thêm vợ thì có thể dùng chóe để hỏi thêm vợ mới.

Ngoài chóe cổ, anh Bộ còn sưu tầm được hàng chục bộ cồng, chiêng. Những chiếc cồng, chiêng lớn nhỏ được chủ nhân bày trí, sắp xếp theo hình chữ S đất nước Việt Nam.

Anh Bộ chia sẻ: “Cồng, chiêng thường được đúc bằng đồng đen, có thời điểm đáng giá cả gia tài. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng, chiêng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh. Chính vì thế, ngoài chóe thì cồng, chiêng là những hiện vật tôi sưu tầm nhiều nhất và tốn kém kinh phí nhất”.

Trang phục thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên cũng được anh Bộ sưu tầm. 

Nhiều vật dụng đan lá gắn liền với sinh hoạt, đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được anh Bộ sưu tầm, gìn giữ. 

Ông Nguyễn Tiến Duẩn, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê cho biết, trên địa bàn xã có 3.609 hộ dân, với gần 14.000 nhân khẩu. Trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%, với 28 dân tộc anh em cùng sinh sống. Hiện nay, các hiện vật văn hóa trên địa bàn của đồng bào các dân tộc thiểu số đang ngày càng mai một.

Do đó, việc sưu tầm hàng nghìn hiện vật văn hóa của Thiếu tá Đinh Văn Bộ đã góp phần rất lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn. Thời gian qua, rất nhiều người dân, du khách đến thăm quan các hiện vật mà anh Bộ đã sưu tầm được để tìm hiểu về văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Chủ tịch UBND xã Quảng Khê Nguyễn Tiến Duẩn thông tin thêm, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương đã quan tâm, thành lập các câu lạc bộ cồng, chiêng để truyền dạy, bảo tồn, phát huy gí trị văn hóa của cồng, chiêng Tây Nguyên.

Khánh Ngọc