Giáo dục

Thiếu giáo viên trầm trọng, vì sao tuyển thường xuyên vẫn thiếu?

Cả nước đang thiếu rất nhiều giáo viên nhưng lại có tình trạng giáo viên nghỉ việc ở nhiều nơi, đây cũng là một bài toán đau đầu cho các cấp quản lý giáo dục.

Vì sao thiếu giáo viên vẫn không có người ứng tuyển

Theo thống kê tình trạng thiếu giáo viên trong năm học tới xảy ra ở rất nhiều nơi như ở Bình Dương còn thiếu hơn 3.000 giáo viên. Hà Nội và Tp.HCM, hai siêu đô thị của Việt Nam, cũng lần lượt thiếu hơn 7.000 và 5.000 cho năm học mới, Thanh Hóa gần 9.000, Hải Phòng và Bắc Ninh mỗi địa phương hơn 2.000, Thái Nguyên gần 4.500, Gia Lai 3.400...

Cụ thể theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022-2023 được Sở GD&ĐT Tp.HCM công bố ngày 9/9, phòng GD&ĐT các quận, huyện và Tp.Thủ Đức cùng hiệu trưởng các trường tiểu học phải đảm bảo dạy môn tiếng Anh, Tin học cho 100% học sinh lớp 3 từ năm học này theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Tuy nhiên, do thiếu giáo viên môn tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học trong khi chương trình hai môn học này trở thành bắt buộc ở cấp tiểu học từ năm học này, Tp.HCM yêu cầu các phòng GD&ĐT, các trường có phương án bố trí giáo viên linh hoạt.

Cụ thể, các phòng GD&ĐT có thể điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học hay biệt phái, điều động giáo viên tiếng Anh, Tin học cấp THCS giảng dạy tại trường tiểu học. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng bởi việc thiếu giáo viên đang diễn ra ở tất cả các bậc học.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho hay: “Không riêng gì bậc tiểu học mà cả bậc THCS, THPT trên địa bàn quận cũng đang thiếu giáo viên đủ các môn từ tiếng Anh, Tin học, đến các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, chuyên đề… nên không thể nào choàng vai nhau được, trường nào cũng phải tự chủ động trường đó thôi”.

Là tỉnh công nghiệp có đông công nhân lao động nhập cư, năm học 2022-2023, tỉnh Đồng Nai tăng thêm tới 22.000 học sinh. Trong khi đó, hiện nay toàn ngành giáo dục đang thiếu khoảng 2.000 biên chế. Đồng Nai kiến nghị Chính phủ giao đủ biên chế theo định biên, sớm ban hành chính sách tiền lương để phần nào đảm bảo đời sống cho giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai, với đặc thù là địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân, người nhập cư nên áp lực lên hệ thống giáo dục, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học, cả về cơ sở vật chất và giáo viên là rất lớn. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Đồng Nai có trên 743.000 học sinh, tăng thêm trên 22.000 học sinh, tuy vậy biên chế giáo viên cho ngành lại không thể tăng thêm.

Đối với Tp.Biên Hòa, địa phương có quy mô trường lớp và học sinh lớn nhất tỉnh Đồng Nai, việc tuyển dụng giáo viên bổ sung cho năm học mới 2022-2023 càng gặp khó. Theo đó, năm học 2022-2023, quy mô học sinh của TP.Biên Hòa sẽ tăng khoảng 10.000 em. Như vậy, sẽ cần một số lượng giáo viên mới nhất định để đáp ứng cho nhu cầu dạy học. Hơn nữa, năm học sắp tới, ngoài các lớp đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới gồm lớp 1, 2, 6 thì còn có thêm lớp 3 và 7, do đó nhu cầu tuyển dụng sẽ còn thêm nhiều hơn.

Bà Trương Thị Kim Huệ - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, mặc dù HĐND-UBND tỉnh Đồng Nai đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ và triển khai thực hiện hiệu quả, tuy nhiên, thu nhập của giáo viên, nhân viên còn thấp, đặc biệt ở cấp học mầm non. Chưa kể, công việc đòi hỏi thời gian dài, áp lực từ xã hội, từ cha mẹ các trẻ… dẫn đến việc thiếu hụt giáo viên. Ngành Giáo dục Đồng Nai hiện còn thiếu khoảng 2.000 biên chế. Do đó, kiến nghị Chính phủ giao đủ biên chế theo định biên; sớm ban hành chính sách tiền lương để phần nào đảm bảo đời sống cho giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.

Đồng Nai hiện đang tuyển dụng 1.750 giáo viên. Trong đó, mầm non là 455 người, tiểu học là 677, trung học cơ sở là 418 và trung học phổ thông là 200 người.

Tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng đang diễn ra ở khắp các địa phương trên toàn quốc. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Nhiều giáo viên nghỉ dạy là do lương thấp?

Vấn đề lương giáo viên thì hàng chục năm qua đã được đưa ra bàn luận nhiều lần. Quốc hội cũng đã từng bàn bạc, Chính phủ và Bộ GD&ĐT cũng đề cập về lương giáo viên. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo cũng đã nhiều lần lên tiếng nhưng lương giáo viên cũng đang khá thấp, nhất là giáo viên có thâm niên dưới 15 năm công tác.

Theo Giáo Dục Việt Nam, một giáo viên có trình độ đại học, đi dạy ở một trường công lập hiện nay hưởng lương bậc 1 sẽ có mức lương dao động mỗi tháng khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng bởi vì 5 năm đầu không có phụ cấp thâm niên nhà giáo nên khi giáo viên đang hưởng lương bậc 1 sẽ có hệ số lương 2,34 của lương cơ sở là 1.490.000 đồng, nhân với 30-35% phụ cấp đứng lớp.

Tuy nhiên, tổng lương của giáo viên sẽ bị trừ bắt buộc khoảng trên 10% cho các loại bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp) và Công đoàn phí, Đoàn phí, Đảng phí. Ngoài ra, còn có thêm nhiều loại quỹ mà giáo viên phải đóng hàng tháng. Theo đó, nhìn chung giáo viên công lập khi đang hưởng lương bậc 1 (4 năm đầu) được nhận hàng tháng khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng. Sau đó, cứ 3 năm mà không bị kỷ luật sẽ được tăng 1 bậc lương, tương ứng hệ số 0,33 - khoảng 500 ngàn đồng cho 1 lần tăng lương.

Chính vì thế, hiện nay những thầy cô giáo có thâm niên 15 năm công tác (lương bậc 5) sẽ có tổng thu nhập hàng tháng, sau khi trừ đi các khoản bảo hiểm, phí bắt buộc là gần 7 triệu đồng. Nhưng, số tiền lương này nhiều khi cũng không được lĩnh trọn vẹn vì giáo viên thường xuyên phải đóng các loại quỹ “tự nguyện” do một số đoàn thể phát động.

Nhìn vào mức thu nhập của giáo viên chúng ta có thể đem so với các ngành nghề kinh doanh, lao động tự do có trình độ tương đương rõ ràng rất thấp nhưng đem so với các công chức, viên chức ngành nghề khác thì lương nhà giáo không thấp hơn vì cùng đang hưởng bảng lương như nhau mà nhà giáo còn có thêm một số loại phụ cấp khác.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cho năm học mới

Hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thì sĩ số học sinh trong độ tuổi đến trường cũng tăng nên tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian tới sẽ còn dài nếu không có những giải pháp quyết liệt không chỉ Bộ GD&ĐT mà cả các ban ngành liên quan.

Thiếu giáo viên thì các cơ sở giáo dục khó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục học sinh, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở giáo dục, việc thực hiện chương trình mới sẽ vô cùng khó khăn.

Tình trạng giáo viên bỏ việc ở một số địa phương và nguyên nhân chủ yếu được nhiều người chỉ ra là do thu nhập quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Nhiều giáo viên hiện nay còn đang làm việc gần như đều phải làm thêm nghề tay trái để có thể bám được với nghề.

Chia sẻ với TTXVN về thực trạng này, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, sau khi đào tạo sư phạm, nhiều người học lại chọn làm nghề khác chứ không chọn đi dạy dẫn đến nguồn tuyển giáo viên khó khăn, nhất là môn tiếng Anh và Tin học. Ở những địa phương ở xa như các huyện ngoại thành, việc tuyển giáo viên các môn này càng khó khăn hơn.

Đơn cử như môn Tiếng Anh bậc tiểu học là một trong những môn luôn thiếu giáo viên từ nhiều năm nay. Nhưng việc tuyển giáo viên rất khó, bởi người học có trình độ ngoại ngữ có rất nhiều lựa chọn khác ngoài đi dạy với mức thu nhập tốt hơn.

Theo Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Tp.HCM, lương của giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học mới ra trường khoảng chỉ hơn 3 triệu/tháng, trong khi số tiết dạy nghĩa vụ còn tương đối cao (23 tiết/tuần). Điều này khiến các quận huyện rất khó tuyển giáo viên hoặc giữ chân giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, đặc biệt ở các vùng xa xôi khó khăn.

Ở các nơi này, việc tuyển giáo viên tiếng Anh đủ tiêu chuẩn hầu như là không thể thực hiện được, việc tuyển giáo viên mới và đào tạo lại để các giáo viên này có kỹ năng dạy tiếng Anh bậc Tiểu học phải tiến hành liên tục hàng năm, dẫn đến sự bất ổn về nhân sự.

“Mức 3 triệu đồng là tiền lương hằng tháng giáo viên được hưởng theo quy định. Bên cạnh đó, giáo viên còn có các khoản phụ cấp ưu đãi khác, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, khoản thu nhập này cũng là mức thấp trong giai đoạn hiện nay,” đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM chia sẻ.

Trước tình trạng hàng loạt giáo viên nghỉ học do "lương không đủ sống", phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2022-2023 của ngành giáo dục thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh đến vấn đề chăm lo đội ngũ nhà giáo.

Theo Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyển dụng giáo viên. Nguồn tuyển dụng đầu vào hiện nay không còn yêu cầu hộ khẩu thành phố giúp công tác tuyển dụng thuận lợi hơn, tuyển được đội ngũ nhà giáo giỏi và yêu nghề.

Thành phố rất trân trọng những nhà giáo, cá nhân đã nỗ lực vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn, thử thách để bám nghề, đóng góp vào thành tích chung của ngành giáo dục.

"Tuy nhiên, nếu cứ để các thầy cô giáo bươn chải với đời sống hàng ngày thì không thể yên tâm dạy học. Trước hết, việc nâng cao thu nhập cho nhà giáo là vấn đề cấp bách hiện nay. Trong khi chờ chính sách chung, thành phố tiếp tục nghiên cứu để có thể ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, giúp đội ngũ thầy cô giáo đảm bảo cuộc sống, yên tâm cống hiến, đặc biệt đối với những khu vực còn nhiều khó khăn,” Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên lưu ý các ngành liên quan.

Trúc Chi (t/h)