Giáo dục

Thiếu gần 8 điểm vẫn trúng tuyển vào lớp 10: Đừng đẩy học sinh vào vòng xoáy tiêu cực

Chuyện 1 học sinh rớt cả 3 nguyện vọng vào trường THPT công lập bỗng dưng đậu vào trường top của TP.HCM khiến dư luận không khỏi bức xúc. Bởi, so với quy định chính thức, thí sinh này thiếu gần 8 điểm nhưng vẫn được Giám đốc sở GD&ĐT ký trúng tuyển bổ sung.

Liên quan đến sự việc trên, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với thầy Trần Trung Hiếu (giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An), người được biết đến với vai trò phản biện trong các chính sách giáo dục và gian lận thi cử để bàn luận.

Sai phạm có hệ thống

Mới đây, dư luận rộ lên sự việc ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM ký một bảng danh sách trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 năm học 2018-2019, trong đó trường THPT Nguyễn Du chỉ có duy nhất tên thí sinh N.T.Q.A, cho dù em thiếu đến gần 8 điểm chuẩn so với quy định và người lập bảng này là một cán bộ của Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Thầy nhìn nhận sự việc này như thế nào?

Sự việc này tôi có nắm được. Em học sinh này có số điểm thi theo nguyện vọng vào 3 trường đều không đủ tiêu chuẩn. Và việc em học sinh này được công nhận đỗ vào trường THPT Nguyễn Du là hoàn toàn sai quy chế tuyển sinh, cụ thể sai ở khâu xét tuyển bổ sung thí sinh vào lớp 10.

Thí sinh này thi đầu vào thì đúng là “sòng phẳng”. Nhưng điều cần xử lý, phải thanh tra, kiểm tra chính là ở khâu xét tuyển bổ sung. Hay nói cách khác, xét tuyển bổ sung chính là kẽ hở, là lỗ hổng trong vấn đề tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều trường THPT ở nhiều thành phố lớn.

Đây là lỗ hổng lớn trong ngành giáo dục, tạo ra sự mất công bằng đối với những em học sinh khác. Sự việc gây ra một hệ luỵ tiêu cực trong ngành giáo dục, mà ban đầu sẽ là chất lượng của học sinh đầu vào không đảm bảo chất lượng. Dễ tạo tiền đề, cơ hội cho con em có kinh tế khá giả hoặc con em của những người có địa vị trong xã hội chen ngang.

Thầy Trần Trung Hiếu (giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An).

Theo nhận định của thầy thì sai phạm trong vụ việc là có, vậy trách nhiệm của Hiệu trưởng, trách nhiệm của người ký quyết định nữa thì cần phải xử lý ra sao?

Sai phạm này chính là sai phạm có hệ thống. Chúng ta cần phải phân định rõ ràng trách nhiệm của những sai phạm đó để xử lý, không thể để tình trạng gian lận trong vấn đề xét tuyển nguyện vọng bổ sung một cách bừa bãi như vậy.

Rõ ràng ở đây có sự thoả hiệp, mà cụ thể là sự thoả hiệp giữa bậc phụ huynh với người làm công tác quản lý ở trường THPT Nguyễn Du và lãnh đạo sở GD&ĐT TP.HCM. Tôi khẳng định rằng, nếu như vị Giám đốc Sở mà không không ký trúng tuyển bổ sung đó thì sẽ không bao giờ xảy ra sự việc đáng để bàn luận như thế này.

Cần tạo sân chơi sòng phẳng

Thầy có nhận thấy sự việc này có điểm tương đồng với sai phạm diễn ra tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 hay không? Theo thầy, việc xử lý đối với em học sinh Q.A. sẽ như thế nào?

Phải nói rằng, khi tôi nắm thông tin sự việc này, tôi liên tưởng ngay đến sai phạm tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 diễn ra tại 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hoà Bình.

Ai cũng biết rằng, khi cơ quan chức năng “phanh phui” toàn bộ sự việc thì trước hết, là những em sinh viên đang theo học tại các trường đại học đó bị buộc thôi học. Chính vì vậy, sự việc của em học sinh N.T.Q.A nói trên, lại xảy ra ở cấp THPT thì càng cần phải xử lý nghiêm, không thể dung túng, bao che.

Danh sách trúng tuyển bổ sung vào Trường THPT Nguyễn Du năm học 2018-2019 là thí sinh thiếu gần 8 điểm so với điểm chuẩn.

Theo tôi tìm hiểu, Trường THPT Nguyễn Du là một trong những trường điểm, trường có chất lượng giáo dục hàng đầu tại TP.HCM. Thông thường, những trường hợp như em như vậy thường là “con ông to bà lớn” hoặc con một doanh nhân, doanh nghiệp nào đó. Và cũng không nằm ngoài khả năng trường hợp của em học sinh này được tác động bởi tiền hoặc mối quan hệ từ chính gia đình, mà cụ thể là phụ huynh.

Để mà nói, chênh lệch 8 điểm so với điểm chuẩn là điều khó chấp nhận. Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải nhanh chóng vào cuộc thanh tra, kiểm tra, làm rõ sự việc này. Trách nhiệm liên đới của những người liên quan, càng không thể để lâu khiến dư luận thêm bức xúc.

Với tư cách là một nhà giáo, thầy có thấy đáng lo ngại không khi câu chuyện tiêu cực trong giáo dục, trong thi cử ngay từ cấp trường THPT?

Bàn về câu chuyện tiêu cực trong giáo dục, thi cử, tôi tin rằng hiện tượng này không mới. Và tôi cũng tin chắc rằng, sự việc như thế này không chỉ xảy ra ở TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác nhưng quan trọng là có bị tố giác, bị phát hiện hay không.

Theo cá nhân tôi, những người trong ngành giáo dục càng phải tạo sân chơi sòng phẳng để thế hệ trẻ có thể phát huy được thế mạnh của mình. Những bậc làm cha, làm mẹ càng không nên khiến những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng dính vào vòng xoáy của tiêu cực.

Xin cảm ơn những chia sẻ của thầy!