Thế giới

Thiếu điện, thiếu chip, thiếu mọi thứ, “ông lớn” châu Á lao đao

Dữ liệu công bố ngày 30/9 cho thấy, sản lượng nhà máy của Nhật Bản chậm lại, trong khi triển vọng sản xuất của Trung Quốc suy yếu.

Tình trạng thiếu điện, thiếu chip và các linh kiện khác, chi phí vận chuyển tăng cao và các nhà máy phải đóng cửa để chống chọi với đại dịch, tất cả đang gây thiệt hại cho các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc.

Tập đoàn Suzuki Motor của Nhật Bản trở thành nhà sản xuất ô tô mới nhất cho ngừng hoạt động dây chuyền sản xuất thêm vài ngày nữa do thiếu hụt linh kiện.

Trong khi Nhật Bản và một số quốc gia khác đang bắt đầu giảm bớt các biện pháp khẩn cấp để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, những nước khác đang phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế liên quan Covid-19, làm tăng thêm sự bất định cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu và khu vực.

Sản lượng của các nhà máy ở Nhật Bản trong tháng 8 đã giảm 3,2% so với tháng trước do việc đóng cửa liên quan đến đại dịch ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trên khắp châu Á. Tháng 7 cũng đã ghi nhận sự sụt giảm 1,5%.

Các nhà sản xuất ô tô và sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin và máy móc điện khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Suzuki cho biết, hãng dự kiến ​​sẽ tạm ngừng hoạt động thêm 3 ngày tại một nhà máy ở miền Trung Nhật Bản, và thêm 2 ngày tại một nhà máy khác.

Các nhà sản xuất ô tô khác cũng phải giảm nhịp độ hoạt động, với lý do thiếu chip và các bộ phận khác.

Doanh số bán lẻ giảm thấp hơn nhiều so với dự kiến ​​4,1% từ mức của một tháng trước đó do nhu cầu yếu về quần áo và thiết bị gia dụng.

Trong khi có những dấu hiệu cải thiện ở một số khu vực của châu Á, "việc số ca mắc mới hàng ngày đạt đỉnh mới ở một số quốc gia và tiến độ triển khai tiêm chủng tương đối chậm ở Đông Nam Á có nghĩa là nguy cơ thiếu hụt chất bán dẫn và các linh kiện khác có thể vẫn dai dẳng trong một thời gian dài nữa", chuyên gia kinh tế Harumi Taguchi từ IHS Markit cho biết trong một bài bình luận.

Công nhân ngành điện Trung Quốc làm việc ở độ cao 60m. Ảnh China.org

Tại Trung Quốc, một cuộc khảo sát chính thức đối với các nhà quản lý nhà máy cho thấy, hoạt động sản xuất của nước này chậm lại trong tháng Tám.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) ngành sản xuất đã giảm từ 50,1 trong tháng 8 xuống còn 49,6 trong tháng 9 trên thang điểm 0-100, trong đó PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng, còn dưới 50 cho thấy sự thu hẹp.

Cuộc khảo sát được tiến hành trước khi tình trạng thiếu điện bắt đầu khiến các nhà máy ở một số vùng của Trung Quốc bắt đầu tạm ngừng hoạt động.

Các chỉ số yếu nhất là ở các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất và kim loại, chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pritchard từ Capital Economics cho biết

“Những người tham gia khảo sát lưu ý rằng, tình trạng thiếu nguyên liệu và sự chậm trễ trong vận chuyển vẫn đang kìm hãm sản lượng”, ông cho biết.

Nhu cầu tăng cao đối với máy tính và các thiết bị khác phục vụ việc học và làm trực tuyến của người dân đã làm hạn chế nguồn cung cấp vi mạch vốn cũng cần cho các sản phẩm này.

Tình trạng thiếu container vận chuyển và các cảng thỉnh thoảng bị đóng cửa do sự bùng phát Covid-19 cũng đã gây ra tắc nghẽn trong suốt chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Các cảng của Trung Quốc và Đông Nam Á vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của các sự kiện đóng cửa trước đó, với lượng tàu xếp hàng dài kỷ lục chờ dỡ hàng,” Rabobank cho biết trong một báo cáo về ngành vận tải biển.

Theo ước tính, khoảng 10% công suất container toàn cầu đang chờ ở ngoài khơi để được dỡ hàng.

Minh Đức (Theo AP)